Mặc dù vậy, đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho thấy, lực lượng được hình thành chủ yếu một cách tự phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, chưa có mô hình tổ chức cụ thể và cũng chưa được pháp lý hóa.
Sau khi có Luật PCTT, lực lượng này đã từng bước được pháp lý hóa, cụ thể tại các văn bản như: Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 và Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP ngày 09/01/2017 của Bộ NN&PTNT về tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới; Nghị định 30/2017/NĐ-CP ngày 21/03/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác PCTT...
Cụ thể, tại Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2019 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTT nêu rõ: Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cấp xã tham mưu Chủ tịch UBND xã quyết định thành lập… LLXK PCTT cấp xã với dân quân tự vệ làm nòng cốt và giao Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT hướng dẫn hoạt động của LLXK PCTT cơ sở.
Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT Trần Quang Hoài cho biết, hiện, đơn vị đang phối hợp với Cục Dân quân tự vệ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng tài liệu hướng dẫn cho việc tổ chức và hoạt động của LLXK PCTT cấp xã một cách thống nhất. Bộ tài liệu hướng dẫn sẽ gồm: Mô hình tổ chức, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, các trang thiết bị cần thiết và chính sách.
Thời gian qua, thực tế tại địa phương xảy ra thiên tai như Thanh Hóa, Lào Cai... LLXK PCTT cấp xã đã phát huy hiệu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là khi mà lực lượng chuyên nghiệp chưa kịp tiếp ứng đối với các khu vực bị chia cắt và cô lập.
Lực lượng này hỗ trợ sơ tán dân, TKCN, sơ cấp cứu tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai, giúp đỡ các đối tượng dễ bị tổn thương (người già, trẻ em…); phối hợp có hiệu quả với lực lượng vũ trang khi được tăng cường theo phân công; tổ chức cứu trợ, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.