Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

8 dự án giao thông cấp bách ở Hà Nội

Theo Vnexpress.net
Chia sẻ Zalo

3 trong 8 dự án cấp bách được thi công, hai cầu vượt đi vào hoạt động, số còn lại bị dừng và có nguy cơ chậm tiến độ.

Đường vành đai 3.000 tỷ đồng nhìn từ trên cao.
 
Năm 2016, Hà Nội có tám dự án giao thông cấp bách được Thủ tướng đồng ý triển khai theo cơ chế đặc thù, không qua đấu thầu. Đó là các dự án cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; Cổ Linh - Vĩnh Tuy; Trần Hưng Đạo - dốc Lương Yên; Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái; An Dương - đường Thanh Niên; đường Vành đai 3 dưới đất đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến.
Trong số này, có ba dự án được triển khai và có hai dự án đưa vào hoạt động. Cụ thể, cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái đã đưa vào hoạt động gần một năm nay.
 
Dự án Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái có tổng đầu tư hơn 166 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 135 tỷ đồng. Cầu có vai trò kết nối, giảm ùn tắc đoạn cuối đường Vành đai 1, thuộc quận Hai Bà Trưng.
 
Dự án thứ hai hoạt động từ tháng 3 năm nay là cầu vượt Cổ Linh - Vĩnh Tuy (quận Long Biên), tổng đầu tư hơn 160 tỷ đồng. Cầu được xây dựng bằng kết cấu thép lắp ghép, bề rộng 12m, dài 216m, có tường chắn, đường dẫn hai đầu cầu và hệ thống chiếu sáng hiện đại.
 
Dự án thứ 3 đang xây dựng là đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng). Tổng chiều dài 5,5km, dự án có mức đầu tư 3.113 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của TP Hà Nội, dự kiến hoàn thiện vào quý I/2018.
Sau khi hoàn thiện dự án này, Hà Nội tiếp tục xây dựng cao tốc trên cao cho phép xe chạy 100km mỗi giờ. Tổng mức đầu tư của hai dự án gần 8.500 tỷ đồng, trung bình 1.500 tỷ đồng mỗi km.
 
Đến nay dự án đã thi công được trên 50% tiến độ. Nhiều đoạn được mở rộng và bắt đầu thảm nhựa. Theo thiết kế, tuyến đường có 12 làn xe (mỗi bên sáu làn xe), trong đó có tám làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp.
 
Dự án thứ tư chuẩn bị được đầu tư là cầu vượt ở nút giao An Dương - Thanh Niên có tổng đầu tư gần 312 tỷ đồng, dự kiến được khởi công tháng 7/2017, nhưng đến nay chưa triển khai.
Chiều dài cầu vượt dự kiến dài trên 270m, bề rộng 10m, tổng chiều dài toàn dự án khoảng 1km chạy theo hướng Yên Phụ - Nghi Tàm. Công trình nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc tại nút giao An Dương - Thanh Niên.
 
Giải thích lý do chậm khởi công, lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội cho biết do chưa thống nhất được phương án xén đê, còn phương án giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất. Hiện Sở tiếp tục đàm phán để có phương án thi công cuối năm nay.
 
Dự án thứ năm hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến dự kiến khởi công vào năm nay, tuy nhiên chưa có con số cụ thể về tổng mức đầu tư và quy mô.
Dự án thứ sáu là cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc gồm 2 gói thầu, xây dựng cầu vượt nút giao và mở rộng đường Phạm Ngọc Thạch cũng được xem xét, tính toán lại, đến nay bị lùi thời hạn triển khai và chưa có dự kiến ngày khởi công.
Hai dự án còn lại, gồm cầu vượt Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; Trần Hưng Đạo - dốc Lương Yên bị dừng. Ông Vương Minh Hoan - Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Hà Nội giải thích, sau khi khảo sát hai khu vực này, nhận thấy việc tổ chức giao thông đã ổn định, ít xảy ra ùn tắc nên thời dừng triển khai cầu vượt.