Khách quốc tế tăng trưởng trên 20%
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tháng 9/2018, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2.072.044 lượt, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 444.444 lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 320.000 lượt, tăng 11,3% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa ước đạt 1.627.600 lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.978 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 8/2018, thị phần của khách du lịch quốc tế đến Hà Nội chiếm 34,8% so với tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Dự kiến, 9 tháng đầu năm 2018, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 19.713.482 lượt, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 4.313.741 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước (khách quốc tế đến có lưu trú ước đạt 3.105.894 lượt, tăng 21% so với cùng kỳ); khách du lịch nội địa ước đạt 15.399.741 lượt, tăng 6,6% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 57.269 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
8 tháng đầu năm 2018, thị phần của khách du lịch quốc tế đến Hà Nội chiếm 37,2% so với tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Dự kiến, tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tiếp tục đà tăng trưởng khá (9 tháng đầu năm 2018 dự kiến tăng 20% so với cùng kỳ năm trước).
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó đặc biệt là khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Úc, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á và nhiều thị trường khác. Các thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội vẫn tập trung các thị trường khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Úc, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Canada. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội.
Theo thống kê của một số điểm tham quan trên địa bàn TP, những tháng qua, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan cơ bản tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, tiêu biểu như: Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Khu di tích danh thắng Hương Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám, các điểm đến khu vực Ba Vì, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, …
Theo số liệu báo cáo tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tiêu biểu trên địa bàn TP, những tháng vừa qua tình hình phục vụ khách du lịch của 1 số đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tăng trưởng khá. Tiêu biểu như: Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV du lịch Trâu Việt Nam, Công ty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên, Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành tại Hà Nội, Công ty CP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel Hà Nội, Công ty TNHH Vietran Tour…
Hà Nội có 3.546 cơ sở lưu trú du lịch
Về tình hình kinh doanh khách sạn, tính đến cuối tháng 9/2018, số cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 559 cơ sở với 22.453 buồng phòng (trong đó 387 cơ sở quyết định còn hạn).
Tính đến nay, tổng số trên địa bàn Hà Nội có 3.546 cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch), với tổng số 60.516 buồng phòng. Trong đó đã xếp hạng 1-5 sao cho 552 khách sạn và 7 căn hộ du lịch với 22.453 buồng phòng (có 67 khách sạn được xếp hạng từ 3-5 sao với tổng số 10.004 buồng phòng, 6 khu căn hộ du lịch cao cấp từ 4-5 sao với 1.065 phòng; công suất sử dụng buồng phòng bình quân 9 tháng 2018 ước đạt 64,86%.
Có 21 cơ sở dịch vụ ăn uống, 24 cơ sở dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Trong 9 tháng đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.
Cùng với đó, hoạt động du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển; công tác quản lý hoạt động du lịch được tăng cường; công tác quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch được tập trung; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội được bổ sung từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch.
Hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi. Mặc dù có khó khăn, du lịch Thủ đô chủ động triển khai các giải pháp để giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thể giới. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch đều đạt cao hơn so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ cao với kế hoạch năm.
Năm 2018, Hà Nội đặt ra mục tiêu đón 25,4 triệu lượt khách, tăng 7% so với năm 2017, trong đó, lượng khách quốc tế là 5,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 76.000 tỉ đồng. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng, 3 tháng cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh liên kết với các cấp, ngành, tổ chức, DN, nghiên cứu kỹ nhu cầu của từng thị trường khách. Từ đó, bám sát nội dung quy hoạch để xây dựng các tour, tuyến mới.
Đồng thời, duy trì quảng bá du lịch trên kênh CNN; tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế; đón các đoàn chuyên gia, DN của các tỉnh, TP trong và ngoài nước đến khảo sát và liên kết phát triển du lịch... Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai xây dựng đề án du lịch thông minh.