Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

90% bếp ăn trường phổ thông bán trú dân nuôi không an toàn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là kết quả cuộc khảo sát từ 99 trường phổ thông có nội trú dân nuôi của 5 tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Bắc Kạn, Hà Giang, Gia Lai do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

KTĐT - Đây là kết quả cuộc khảo sát từ 99 trường phổ thông có nội trú dân nuôi của 5 tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Bắc Kạn, Hà Giang, Gia Lai do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Chỉ có 9,09% số trường phổ thông có nội trú dân nuôi có bếp nấu ăn chung và đủ đồ dùng nấu ăn tối thiểu đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Số liệu trên là kết quả cuộc khảo sát từ 99 trường phổ thông có nội trú dân nuôi của 5 tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Bắc Kạn, Hà Giang, Gia Lai do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

Nguyên nhân là nhiều trường không tổ chức được bếp ăn tập thể do không có người nấu. Vì thế, học sinh tự nấu ăn, tự lên rừng kiếm rau, bắt cá… vừa ảnh hưởng tới thời gian học tập và nghỉ ngơi của các em, vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện có tới trên 53,5% số trường học sinh tự nấu ăn với nhau. Nhiều em phải nấu ăn ngay trong lều lán nên hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do củi để bừa bãi, bếp đặt gần sát vách nứa.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, điều kiện trường lớp của nhóm trường này rất thiếu thốn, chỉ hơn 26% trường có tất cả các lớp được xây kiên cố. Còn tới trên 12% trường không có lớp nào được xây dựng kiên cố.

Địa hình cao, thời tiết nhiều mây mù nên lớp học không đủ sáng. Trung bình 5 tỉnh, có gần 60% trường không đủ ánh sáng ở tất cả các lớp học. Tỷ lệ này ở Hà Giang là trên 80%. Thậm chí, có 10,1% trường không có lớp học nào đủ ánh sáng trong mọi điều kiện thời tiết (cao nhất là ở Bắc Kạn với 20%). Tại Nghệ An, còn 60% trường được khảo sát chưa có điện.

Bên cạnh đó là hàng loạt khó khăn khác như không có sân chơi (chỉ hơn 56% số trường có sân chơi nhưng không có các phương tiện phục vụ hoạt động thể dục thể thao), không có nhà vệ sinh (chiếm trên 15% tổng số trường), không có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh (nhất là ở Gia Lai với 75% số trường), 79,8% số trường chưa có đủ giường chắc chắn cho học sinh nội trú…

Các kết quả khảo sát này là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các văn bản nhằm ổn định, phát triển loại hình trường này trong thời gian tới.

Trường phổ thông có nội trú dân nuôi là mô hình tự phát do nhân dân và chính quyền địa phương tạo ra để tạo điều kiện thuận lợi cho con em mình đến trường. Do khu nội trú không đủ chỗ nên học sinh trọ ở nhà người quen, họ hàng, trọ trong nhà dân hoặc ở tại các nhà do phụ huynh dựng ở khu vực gần trường. Lán dựng thường bằng cây, lá, thậm chí chăng tạm bằng nilon. Tùy theo điều kiện gia đình, hàng tuần, hàng tháng, học sinh tự mang lương thực và thực phẩm, chất đốt và dụng cụ cá nhân để tự nấu ăn hoặc ăn chung với gia đình nhà trọ.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm học 2008-2009, theo báo cáo của 24 tỉnh, có 1.657 trường phổ thông có nội trú dân nuôi với hơn 144.000 học sinh nội trú, trong đó đông nhất là bậc trung học cơ sở với hơn 79.700 em, tiểu học hơn 38.600 và trung học phổ thông là 25.770 học sinh.