Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam: Một chặng đường vẻ vang

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 90 năm, một sự kiện trọng đại đối với đời sống và vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã diễn ra, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam đã họp từ ngày 3 - 7/2/1930 ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) khẳng định: Lịch sử đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đã tỏ rõ là một đảng cách mạng chân chính nhất, có sức hội tụ lớn nhất và đã trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Đảng đã từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã ghi nhiều dấu ấn được bạn bè thế giới đánh giá cao.
Cờ hoa chào mừng ngày thành lập Đảng trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Tháng 8/1945, dù chỉ có 5.000 đảng viên và mới có 15 tuổi nhưng Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng vĩ đại, xóa bỏ ách đô hộ của thực dân, đưa Nhân dân ta lên địa vị người chủ xã hội.
Tiếp đó, qua 30 năm đấu tranh cách mạng (1945 - 1975), Đảng ta đã lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước Việt Nam thống nhất, bước sang trang sử mới, Đảng lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1986 đánh dấu một mốc son khác trong sự lãnh đạo của Đảng với sự phát triển của đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo kinh tế, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Và những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quan hệ quốc tế... đã khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo trong đường lối của Đảng.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, chính tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1/7/1996) cũng đã nhận định: Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Đồng thời, đề ra nhiệm vụ cho giai đoạn 1996 – 2000 là: “Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống Nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào thế kỷ sau”…
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Và đến nay, sau gần 35 năm thực hiện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng. Nếu như ở giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân năm chỉ đạt 4,4%; giai đoạn 1991 - 2000, GDP tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001 - 2005 GDP bình quân 7,34%... đến nay, theo cách tính mới, GDP 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%.
Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, đưa Việt Nam ra khỏi nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Những thành quả có được trong 90 năm qua chính là minh chứng rõ ràng nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của Nhân dân. Đảng đã không ngừng tự đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.