Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

9x làm giàu với nghề “biến mới thành cũ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xưởng sản xuất nội thất theo hướng hoài cổ được Tùng mở trên đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) ngay từ khi còn là sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Trong khi nhiều người đua nhau sản xuất đồ nội thất mới theo hướng hiện đại thì Chu Tuấn Tùng lại tìm cách “biến mới thành cũ”. Nhờ làm nội thất theo kiểu hoài cổ, kết hợp với việc nhận thiết kế, thi công nội thất các công trình, mỗi tháng Tùng thu về đều đặn 500-600 triệu đồng.

Có máu kinh doanh từ bé

Xưởng sản xuất nội thất theo hướng hoài cổ được Tùng mở trên đường Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) ngay từ khi còn là sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tùng thừa nhận mình là người không thích học mà chỉ thích kinh doanh. Điểm học tập của Tùng luôn chỉ đủ để qua các kỳ thi nhưng ngay từ khi học THPT anh chàng sinh năm 1990 này đã kinh doanh khá thành công.
Chu Tuấn Tùng (bên trái) tại xưởng sản xuất đồ nội thất hoài cổ
Chu Tuấn Tùng (bên trái) tại xưởng sản xuất đồ nội thất hoài cổ
Lên đại học, Tùng càng chịu khó tìm kiếm các cơ hội để thỏa mãn sự đam mê của mình. Vì thế, anh chàng đã làm khá nhiều việc khác nhau để kiếm tiền như:  làm bảo vệ, hỗ trợ thêm cho các giảng viên, sang Trung Quốc buôn quần áo thời trang…

Những lần sang Trung Quốc lấy hàng, Tùng được tham quan rất nhiều món đồ nội thất, một số sản phẩm được làm từ ống nước nhìn rất đẹp và sang trọng. Đến cuối năm 2013, khi đó Tùng đang theo học năm cuối đại học đã quyết định chấm dứt việc kinh doanh quần áo thời trang và về mở xưởng sản xuất đồ nội thất với số vốn vỏn vẹn 10 triệu đồng. Đây là số tiền anh tích cóp được trong quá trình làm thêm.

"Lúc đó, xưởng chỉ có một người thợ, một máy cắt và một máy hàn. Các đồ nội thất xưởng sản xuất ra đều theo đơn đặt hàng. Vì vậy, trong quá trình làm, mình thấy còn thừa quá nhiều những mẩu gỗ, ống nước bỏ đi rất lãng phí nên đã nghiên cứu xu hướng kiến trúc hoài cổ để có thể tận dụng những đồ thừa này", Tùng chia sẻ.

Tùng cho biết thêm, ở châu Âu, nội thất hoài cổ đã trở thành một xu hướng kiến trúc từ nhiều năm nay, còn ở Việt Nam, xu hướng này vẫn khá mới mẻ. Hiện trong thành phố Hồ Chí Minh mới có một vài cơ sở làm nhưng đều là người nước ngoài đầu tư vốn mở công ty, còn ở Hà Nội thì hầu như không có. Tùng là một những người đầu tiên làm loại nội thất này.

Luôn luôn tìm tòi những cái mới

Tuy nhiên, biến đồ nội thất mới thành cũ không phải chuyện đơn giản. Bởi biến nguyên liệu mới thành đồ cũ không chỉ thể hiện qua màu sắc, bề mặt bên ngoài, mà phải tạo cho sản phẩm có "mùi" của thời gian. Khi người dùng sờ vào sẽ cảm nhận như đồ cũ, thậm chí ngửi được mùi gỗ thơm tự nhiên. Cũng vì thế, chỉ những người thợ có óc sáng tạo, chịu khó tìm tòi học hỏi và đặc biệt là phải cực kỳ tinh tế.
Chu Tuấn Tùng cùng mẹ
Chu Tuấn Tùng cùng mẹ
Bên cạnh đó, việc chế tác nội thất hoài cổ rất cần ý tưởng mới lạ. Từ một khúc gỗ nguyên bản hoặc những đồ hiện đại như ống nước, bánh răng xe... người thợ phải tưởng tượng làm sao để sản phẩm có vẻ ngoài cũ kỹ, tiện dụng nhưng vẫn hoà hợp với không gian xung quanh.

Đồ mới, khi xử lý thành đồ cũ, ngoài nước sơn thì thợ phải xử lý sao cho bề mặt trở nên gai góc, cũ kỹ, sần sùi, thậm chí nhiều khi phải tạo ra những vết va quệt, vết nứt toác, màu mốc... theo kiểu món đồ đã bị phơi nắng, bị dầm mưa trong một thời gian rất dài.

"Thời gian đầu, mình không tìm được thợ trong khi đơn hàng quá nhiều nên thường ở trong tình trạng quá tải công việc. Ròng rã mấy tháng trời mình cứ đi từ sáng sớm đến đêm khuya mới về để cùng với anh em trong xưởng làm đảm bảo kịp tiến độ công việc" - Tùng kể.

Sau một thời gian chật vật vừa làm vừa tìm kiếm các đơn hàng Tùng đã đưa xưởng sản xuất đi vào ổn định. Ngoài bàn, ghế, giường, hiện nay xưởng sản xuất nội thất của Tùng còn chế tác các đồ nội thất hoài cổ để trang trí khác, như: Đèn ngủ, đồng hồ, giá sách, kệ để đồ...

Những đồ nội thất hoài cổ có giá không cố định và rất kén người sử dụng nên xưởng sản xuất của Tùng còn nhận thiết kế, thi công đồ nội thất theo các công trình. Vì vậy, mỗi tháng, xưởng sản xuất cho anh thu nhập đều đặn 500 - 600 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động. Hiện nay, Tùng đang nỗ lực để mở cửa hàng bày bán các đồ nội thất thiết kế của riêng mình.

"Với mình tuổi trẻ mà không tìm ra được những điều mới mẻ thì coi như thất bại. Vì vậy, lúc nào mình cũng phải vận động, tìm tòi học hỏi. Dù có thất bại mình cũng không bao giờ suy nghĩ tiêu cực mà coi đó là bài học kinh nghiệm. Đó chính là động lực để mình chinh phục những thử thách mới" - Tùng nói