Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,1%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi họp báo về Tình hình Phát triển Kinh tế châu Á và Việt Nam 2015 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng nay (24/3) tại Hà Nội, ADB đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016, trong đó FDI sẽ đóng vai trò là động lực quan trọng.

Tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn – đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ một phần bị ảnh hưởng ngược lại do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Xuất khẩu sản xuất chế tác sẽ tiếp tục gia tăng, do 76% số vốn FDI giải ngân trong năm ngoái đều hướng vào hoạt động sản xuất chế tác.

Theo ADB, giá dầu thế giới hạ trong năm 2014 là một động thái tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Việt Nam sản xuất khoảng 350.000 thùng dầu/ngày và là nước xuất khẩu ròng dầu thô, song Việt Nam cũng là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu lửa tinh luyện. Giá nhiên liệu giảm góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của hộ gia đình, kích thích tiêu dùng, và giảm chi phí cho nhiều doanh nghiệp, giúp cải thiện lợi nhuận và đầu tư. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính tiết kiệm chi phí sản xuất trong nước có thể đạt 3% trong năm nay. Giá dầu giảm cũng làm cho thu ngân sách của chính phủ bị ảnh hưởng, song chính sách tài khóa sẽ vẫn tiếp tục theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 
ABD dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016
ABD dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016
Ở cấp độ ngành, công nghiệp được ADB dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính. FDI và đầu tư công sẽ thúc đẩy ngành xây dựng, đồng thời xu hướng gia tăng nhập khẩu các đầu vào sản xuất trong thời gian gần đây – bao gồm hóa chất, bông, nhựa – là dấu hiệu cho thấy công nghiệp hoạt động mạnh. Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng của HSBC cho thấy các đơn đặt hàng mới, sản lượng và việc làm trong khu vực chế tác tiếp tục gia tăng trong tháng 2/2015.

ADB cho rằng khu vực dịch vụ cũng hưởng lợi nhờ giảm giá nhiên liệu và vận tải và phục hồi hoạt động du lịch đến từ Trung Quốc. Tiến độ cải cách DNNN được cải thiện cũng thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành dịch vụ khác. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng được hỗ trợ từ việc giảm chi phí nhiên liệu và vận tải, song tăng trưởng nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do giá lương thực thấp và các vấn đề trở ngại trong lĩnh vực vận tải và hạ tầng thương mại.

Theo dự báo của ADB, chính sách tài khóa sẽ tiếp tục mở rộng do thâm hụt ngân sách được đặt mục tiêu 5% GDP trong năm 2015 và khả năng duy trì ở mức này trong năm 2016. Thâm hụt ngân sách đồng nghĩa với việc nhấn mạnh nhiều hơn vào chi tiêu đầu tư, dự báo sẽ tăng gần 20% sau hai năm giảm tuyệt đối. Chi thường xuyên dự báo sẽ tăng 10%, trong đó chi cho y tế tăng 11% và chi cho giáo dục tăng 5%.

Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP. Triển vọng này cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư.

Lạm phát tiếp tục giảm trong hai tháng đầu năm 2015 xuống mức trung bình 0,6% so với cùng kỳ năm trước do giá lương thực và vận tải đều giảm. Tính cho cả năm, lạm phát dự báo ở mức 2,5%. Lạm phát sẽ tăng tốc nhanh lên 4,0% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới đều tăng

Dự báo cũng cho rằng chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lạm phát thấp. Ngân hàng trung ương muốn các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay thêm 1,0-1,5 điểm phần trăm trong năm 2015, sau khi đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm 2014. Trong tháng Giêng năm nay, ngân hàng trung ương đã tiếp tục điều chỉnh tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ xuống thêm 1% và có thể tiếp tục điều chỉnh xuống 2% trong năm 2015.