Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

ADB dự kiến cho Việt Nam vay 1 tỷ USD/năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Chiến lược đối tác quốc gia 2016 - 2020 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tới.

Những thách thức từ nền kinh tế mở
Chiến lược đối tác quốc gia của ADB giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. “Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình trên 6,5%/năm trong giai đoạn 1991 - 2015) đã làm thay đổi đất nước, từ một trong những nước nghèo nhất châu Á trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.109 USD. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm lực kinh tế to lớn của mình”, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.
ADB dự kiến cho Việt Nam vay 1 tỷ USD/năm
Theo ADB, Việt Nam đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn. Các luồng vốn lớn đổ vào Việt Nam đã trở thành một thách thức lớn về quản lý đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam, làm cho giá tài sản tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, nền kinh tế chịu nhiều rủi ro hơn trước những biến động của kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã kích hoạt một giai đoạn bất ổn về kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, dự trữ ngoại hối giảm, lạm phát tăng lên hai con số, thâm hụt thương mại gia tăng.

Chính phủ phản ứng bằng cách tăng tỷ lệ đầu tư công, làm cho cán cân tài khóa và tiền tệ càng trở nên mất cân đối và làm cho tỷ lệ nợ công/GDP tăng cao. Các chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện từ năm 2012 đã khôi phục được sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế phục hồi từ 5,2% lên 6,7%, lạm phát giảm từ 9,2% xuống 0,6% trong năm 2015. Khi hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ vẫn đối mặt với thách thức lớn là cải cách điều hành kinh tế vĩ mô để duy trì ổn định và vượt qua các cú sốc đến từ bên ngoài.

“Việc mở cửa nền kinh tế đã giúp cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, năng suất thấp và tình trạng thiếu lao động có tay nghề trong các DN Việt Nam đã cản trở việc kết nối chuỗi giá trị, và sự thiếu vắng các DN hỗ trợ cho ngành xuất khẩu đã làm giảm tác động lan tỏa đối với nền kinh tế Việt Nam. Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ thiết yếu (điện, nước) không theo kịp tốc độ tăng trưởng và đô thị hoá”, báo cáo ADB chỉ ra.
Bên cạnh những thách thức này còn có vấn đề hoạt động kém hiệu quả ở các DNNN và khu vực ngân hàng còn yếu, chủ yếu dựa vào một số ngân hàng quốc doanh lớn. Các DNNN tiếp tục ngốn một tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư, trong khi tỷ lệ đóng góp vào GDP thực và tổng số việc làm của cả nước lại thấp hơn so với các DN tư nhân.

“Nếu Việt Nam muốn đạt được mức thu nhập trung bình cao, cần phải tăng cường hơn nữa sự minh bạch và công khai thông tin liên quan đến quá trình hoạch định chính sách, cùng với môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả hơn, giúp tất cả các DN được cạnh tranh một cách bình đẳng”, đại diện ADB khuyến nghị.
Cũng theo ADB, tăng trưởng kinh tế nhanh, mật độ dân số cao và đặc điểm địa lý riêng biệt của Việt Nam - với đường bờ biển dài và các đồng bằng châu thổ rộng lớn - cùng với tầm quan trọng kinh tế của nông nghiệp làm cho Việt Nam đứng trước những thách thức lớn về môi trường. Những thách thức này càng trầm trọng hơn với những rủi ro về biến đổi khí hậu. Theo chỉ số rủi ro khí hậu, Việt Nam là nước xếp thứ 7 trên thế giới về mức độ rủi ro.
Kế hoạch cho vay dựa trên 3 trụ cột chính
Ông Eric Sidgwick cho biết, để giải quyết những thách thức này, chiến lược đối tác quốc gia (CPS) của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đề ra tầm nhìn về phát triển kinh tế bền vững môi trường và bình đẳng xã hội, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Chiến lược này tập trung vào ba đột phá chính: Đó là thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh; Tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn; cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó biến đối khí hậu.
Nguồn lực dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 của ADB là cho Chính phủ vay vào khoảng 1 tỷ USD/năm; Hỗ trợ kĩ thuật và viện trợ không hoàn lại là 5-7 triệu USD/năm; Đồng tài trợ, các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu là 1,4 tỷ USD trong danh mục dự kiến
Ví dụ, ADB sẽ hỗ trợ cho mục tiêu đô thị hoá bao trùm bằng cách kết nối các dự án đầu tư vào hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn, quản lý lũ lụt, nước sạch và vệ sinh, cùng với quy hoạch đô thị tốt hơn để xây dựng các thành phố đáng sống và có sức chống chịu cao.
Trong thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh. ADB sẽ giúp chính phủ Việt Nam tiến hành các cải cách kinh tế thị trường sâu sắc hơn để tăng cường tạo việc làm và cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. ADB sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ và tác động của cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân phát triển, và thúc đẩy cải thiện kết nối kỹ thuật để phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam và thông qua thương mại quốc tế.
ADB sẽ hỗ trợ cải thiện kết nối hạ tầng kỹ thuật bao gồm các đường cao tốc và cầu nối giữa các trung tâm tăng trưởng lớn. Mục tiêu là giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất, và cải thiện tiếp cận với các dịch vụ công then chốt.
Ông Eric Sidgwick khuyến nghị, việc Việt Nam chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình đòi hỏi những cải thiện về hiệu quả chi tiêu công và đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân. Các dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của ADB ngoài việc đảm bảo tiêu chí hiệu quả, bền vững, phải mang lại giá trị mới như chuyển giao kiến thức, có yếu tố đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tạo đòn bẩy cho sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như các thành phần kinh tế.