Tăng trưởng GDP 2018 của Việt Nam được ADB dự báo 6,9%, giảm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 là 7,1%. |
ADB hạ dự báo tăng trưởng được các chuyên gia chỉ ra là do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2018.
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những áp lực lớn, do dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước.
Thêm vào đó, nguy cơ mâu thuẫn thương mại leo thang trên toàn thế giới đe dọa phá vỡ chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu mà Việt Nam đang hội nhập rất sâu. Căng thẳng thương mại có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
"Các đợt lũ lụt nặng nề vào tháng 7 và tháng 8 có thể làm suy yếu nông nghiệp, trong khi các mỏ khoáng sản đã khai thác nhiều năm có thể sẽ bị giảm sản lượng khai thác. Do vậy, dự báo tăng trưởng của ADB cho năm 2018 được điều chỉnh giảm từ 7,1% xuống 6,9%”- báo cáo của ADB đánh giá.
Mặt khác, thông qua các kênh tỷ giá tiền tệ, sự căng thẳng thương mại có thể kéo theo căng thẳng tiền tệ. Trung Quốc phá giá tiền tệ có thể gây sức ép lớn lên Việt Nam.
Theo ADB, nhìn chung tỷ giá Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định, dù vậy, đã xuất hiện áp lực lên tỷ giá hối đoái thời gian tới. Tuy nhiên, áp lực này mang tính 2 chiều, ADB cho rằng trong tương lai Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ theo đuổi một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn với mục tiêu cuối cùng là dần chuyển đổi khuôn khổ chính sách tiền tệ tập trung vào ổn định tỷ giá và chuyển từ mục tiêu tín dụng sang mục tiêu giữ ổn định lạm phát.
Đặc biệt, ADB cảnh báo áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm. Tăng trưởng cao cùng với sự gia tăng các loại giá cả và giá lương thực, giá dầu thế giới phi mã… có thể khiến lạm phát của Việt Nam gia tăng. Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho 2019, tăng so với ước tính tại báo cáo hồi tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%.