Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

AEC - cơ hội nâng chất lượng nguồn nhân lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), một nội dung mới được bổ sung đó là tự do luân chuyển lao động nội khối.

Mặc dù từ nhiều năm nay, phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những chính sách quan trọng của đất nước, nhưng “chảy máu chất xám” và trình độ lao động thấp vẫn là vấn đề lo ngại hàng đầu của thị trường lao động Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng. Giải quyết được thách thức này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Lợi thế lớn về nguồn nhân lực

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có lực lượng lao động chiếm khoảng 15% trong ASEAN. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khi khảo sát tác động của AEC đến thị trường lao động đã chỉ ra: Đến năm 2025, AEC có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% so với kịch bản cơ sở khi không có sự thành lập AEC, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Người lao động phỏng vấn tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội.	 Ảnh: Chiến Công
Người lao động phỏng vấn tìm việc tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Lao động trình độ cao có xu hướng di chuyển đến những vùng, TP và khu vực có thị trường lao động sôi động nhất (TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương có lượng lao động trình độ cao di chuyển đến nhiều nhất, tương ứng là 67,9% và 19,1%; chủ yếu làm việc ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 36% số lao động di chuyển). Nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chiếm 30% nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, có điều kiện thuận lợi để hội nhập vào thị trường lao động trong khu vực. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi AEC đã chính thức được hình thành. Khi đó 8 ngành nghề lao động (bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch) dự kiến trong ASEAN được tự do di chuyển qua các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs). Đây sẽ là cơ hội để người lao động tại TP Hà Nội ở những ngành này dịch chuyển sang các nước trong khối để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực, cải thiện thu nhập và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Mặt khác, các DN tại Hà Nội sẽ có cơ hội thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước trong khu vực; đồng thời, với thị trường lao động rộng lớn và tự do hóa, các DN xuất khẩu lao động có thể đẩy mạnh phát triển xuất khẩu nguồn nhân lực ra các nước ASEAN.

Cùng với AEC cơ hội từ nguồn nhân lực là cơ hội nâng cao tiền lương và thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Hà Nội là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế năng động và toàn diện, thu hút các dòng đầu tư nước ngoài, qua đó việc làm gia tăng và có khả năng làm tăng thu nhập cho người lao động. Hơn nữa, cùng với cơ hội để lao động có tay nghề di chuyển đến thị trường lao động ở các quốc gia khác trong khu vực AEC để có mức thu nhập cao hơn. Trong khi, các DN trong nước cũng như DN tại địa bàn Hà Nội sẽ phải cạnh tranh với các DN ở các quốc gia khác để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, tiền lương và thu nhập của người lao động chắc chắn được cải thiện.

Cạnh tranh gay gắt hơn

AEC tạo ra thị trường chung, không còn rào cản không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ, vốn,… do vậy, bên cạnh sự hợp tác để cùng phát triển thì sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực sẽ càng trở nên gay gắt. Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 - 2014, Việt Nam xếp thứ 70, đứng trên Lào (81), Campuchia (88) và Myanmar (139)... Năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 là 5.440 USD (theo giá so sánh PPP năm 2005), cao hơn của Myanmar, Campuchia và Lào nhưng thấp hơn các nước còn lại trong khối ASEAN. Vì vậy, cùng với việc Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành, AEC sẽ đưa tới không ít thách thức cho thị trường lao động của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng đòi hỏi cần sớm có những giải pháp quyết liệt. Thách thức lớn nhất phải kể đến là chất lượng lao động thấp dẫn đến nguy cơ lao động trên địa bàn Hà Nội bị thua ngay trên “sân nhà” khi phải cạnh tranh với lao động đến từ các nước ASEAN.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2015 của Hà Nội là 55%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28%. Mặc dù được xem là một trong những TP có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN, chất lượng lao động của Hà Nội còn thấp; kỹ năng, tay nghề thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường; thể lực và tác phong lao động còn yếu; thiếu những kỹ năng mềm để có thể sẵn sàng hội nhập vào thị trường lao động khu vực như giao tiếp công việc bằng một ngoại ngữ khác, khả năng làm việc nhóm,...

Năng suất lao động thấp là nguyên nhân không nhỏ khiến tiền lương của lao động Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Điều này càng làm tăng khoảng cách chênh lệch trình độ phát triển của Việt Nam. Trong khi những lao động có kỹ năng sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác trong khu vực, với mức lương cao hơn...

Giải bài toán chất lượng

Từ những phân tích trên có thể thấy, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông về các cơ hội việc làm của AEC, TP Hà Nội cần tiếp tục công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng tăng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp cho người học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề, nhất là với những nước thành công trong phát triển dạy nghề ở khu vực ASEAN và trên thế giới; hợp tác với các nước ASEAN để tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa các nước, tích cực tham gia vào các hoạt động của khu vực và thế giới để giao lưu và học hỏi kinh nghiệm...

Về phía DN, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trên địa bàn Hà Nội nhằm tăng cường công tác thông tin, kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất khẩu lao động và tiếp nhận lao động từ nước ngoài, mỗi DN cần xác định rõ các tiêu chuẩn tuyển chọn lao động cho từng thị trường theo loại công việc và các yêu cầu liên quan. Bên cạnh đó, tham gia vào Cộng đồng ASEAN cũng đòi hỏi DN thiết lập quy trình tuyển chọn lao động một cách khoa học và công bằng… Cùng với đó, bản thân mỗi người lao động tự ý thức trang bị cho mình những kiến thức nghề nghiệp, tác phong lao động… để nâng cao uy tín của lao động Việt Nam trên trường  khu vực và quốc tế.