Theo thông tin mới được đăng tải trên tờ JapanTimes, tập đoàn bán lẻ Aeon đã công bố kế hoạch đầu tư vốn vào 2 hãng bán lẻ lớn tại Việt Nam là Fivimart và Citimart. Cụ thể, Aeon sẽ mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Theo đánh giá đây là một trong những bước đi cụ thể nhằm mở rộng thị trường tại Việt Nam của "đại gia" bán lẻ này.
Việc Aeon bắt tay cùng 2 hệ thống siêu thị trên đã được bắt đầu từ cuối năm 2014, thậm chí đối với Citimart, siêu thị này còn được đổi tên thành AeonCitimart. Tuy nhiên thỏa thuận hợp tác chỉ hoàn toàn được dừng ở khâu siêu thị Việt sẽ nhận được sự hỗ trợ về mặt "kỹ thuật" như quản lý hệ thống bán hàng, phương pháp điều hành ... cũng như xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm của đối tác Nhật Bản.
Mặc dù đã có trong tay 2 trung tâm mua sắm lớn ở TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cùng trung tâm thứ 3 sắp được khai trương tại Hà Nội nhưng nếu có trong tay 2 thương hiệu Fivimart và Citimart mức độ phủ sóng của Aeon sẽ được tăng lên đáng kể với phạm vi trải dài trên cả nước. Hiện Citimart đang sở hữu 27 điểm bán tại thị trường phía Nam, còn tại khu vực miền Bắc, Fivimart cũng có tới 20 siêu thị khác nhau.
Cũng theo thông tin từ chính Aeon, tập đoàn này coi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á chỉ sau Malaysia, vì thế đã có một kế hoạch dài hơn được chuẩn bị sẵn khi dự định đầu tư khoảng 200 siêu thị trên toàn quốc trong những năm sắp tới.
Cùng với việc Aeon công bố mua cổ phần của Fivimart và Citimart, cũng xuất hiện nhiều nghi ngờ khi đặt câu hỏi liệu đây có phải là một trong những "tính toán" của hãng bán lẻ Nhật Bản nhằm thâu tóm toàn bộ 2 thương hiệu siêu thị lớn nói trên? Xét trong quá khứ, trường hợp doanh nghiệp Việt hợp tác với đối tác nước ngoài thông qua các hoạt động đầu tư rồi dần dần bị xóa xổ thương hiệu hoặc thâu tóm toàn bộ không phải là hiếm.
Đơn cử như trường hợp của Lotte (Hàn Quốc) và Minh Vân (Việt Nam). Năm 2006, để tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đối tác Hàn Quốc đã thành lập liên doanh với doanh nghiệp trong nước cùng số vốn ban đầu là 15 triệu USD. Với kinh nghiệm kinh doanh dày dạn tầm cỡ quốc tế, sau 6 năm hợp tác Minh Vân hoàn toàn lép vế trước Lotte, điều này dẫn tới việc bằng chiêu bài "tăng vốn điều lệ", doanh nghiệp Việt đã bị "ép" phải bán toàn bộ cổ phần mình có cho phía Hàn Quốc, từ đó Lotte thoải mái tung hoành tại thị trường bán lẻ Việt Nam mà không gặp phải quá nhiều rào cản như trước.
Những cuộc thâu tóm như trên không chỉ diễn ra trong lĩnh vực bán lẻ, mà nhiều mảng kinh doanh khác tại Việt Nam cũng xảy ra trường hợp tương tự. Có thể kể đến các liên doanh như Lever và Viso, Lever và Haso, P&G với bột giặt Phương Đông hay Dạ Lan và Colgate ... trong đó các doanh nghiệp trong nước đều có kết cục chung khi cùng bị thâu tóm.
Với việc thị trường bán lẻ Việt Nam được mở cửa hoàn toàn từ năm 2015, việc hợp tác với những nhà đầu tư nước ngoài là một trong những xu hướng không thể tránh khỏi của các doanh nghiệp bán lẻ Việt nhằm đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng cao.
Nói về xu hướng này, ông Lê Thế Bình, chuyên gia tư vấn tài chính cho biết, mặc dù doanh nghiệp Việt lo ngại khả năng bị thâu tóm khi bán cổ phần cho đối tác nước ngoài nhưng vẫn muốn nhận được sự đầu tư, bởi đó là minh chứng cho việc doanh nghiệp của mình đang hoạt động tốt và có tiềm năng. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp Việt không duy trì được vai trò kiểm soát của mình trong liên doanh thì việc mất thương hiệu về tay đối tác là điều hoàn toàn có thể xảy ra, ông Bình nói thêm.
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải thận trọng khi chọn đối tác, đừng vì một số tiền mà phải nhường cổ phần cho bên đầu tư, rồi để đến một ngày nào đó doanh nghiệp của mình sẽ bị thâu tóm toàn bộ.
Nếu đã chấp nhận đầu tư, phía doanh nghiệp cần có biện pháp kiểm soát sao cho vẫn giữ được vai trò chi phối thuộc về mình cũng như chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Ngoài ra cũng cần đào tạo nâng cao nhân lực hiện có, chuyên môn hóa quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo được sự cạnh tranh trên thị trường qua đó mới khẳng định được vị thế của mình, bà Loan cho biết thêm.
Aeon sẽ mở rộng được mạng lưới của mình thông qua đầu tư vào Fivimart và Citimart
|