Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Agribank đồng hành phát triển kinh tế tư nhân khu vực nông thôn

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đóng vai trò là định chế tài chính chủ đạo trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.

Mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết nông nghiệp
Agribank là ngân hàng giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực “tam nông”, luôn tích cực cùng Đảng, Chính phủ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thông qua thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ; cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản; Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay tái canh cây cà phê…
Nhờ nguồn vốn của Agribank, sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Linh
Với vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, Agribank đã góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các thị trường khó tính và tìm được chỗ đứng tại thị trường khu vực và thế giới.
Các mô hình sản xuất này bước đầu đã tạo sự đồng thuận cao giữa các DN và người dân. Qua đó dần hình thành làn sóng đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ nông dân
Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp nhỏ, manh mún, sản xuất phần lớn vẫn theo kiểu truyền thống thì sự hợp tác, liên kết sản xuất đang cần thiết hơn bao giờ hết… Thông qua liên kết trong sản xuất nông nghiệp, giúp người trực tiếp sản xuất có định hướng và đầu ra với giá bán ổn định, DN có nguồn hàng ổn định với chất lượng và giá cả được kiểm soát.
Việc liên kết trong nền kinh tế tư nhân cũng góp phần giảm bớt các khâu trung gian trong sản xuất đến sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, giá bán sản phẩm, nâng cao hiệu quả cho các chủ thể trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các mô hình liên kết còn ít, chưa hiệu quả do các hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết với người dân do chế tài phạt hợp đồng kinh tế chưa nghiêm, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay liên kết.
Vốn là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro trong sản xuất nông nghiệp lại chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế này ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng khi gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Do đó cần có chính sách bảo hiểm giá, rủi ro trong sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, để tránh thiệt hại cho người dân, chấm dứt tình trạng DN sản xuất nông sản mà không có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, có chất lượng.
Hiện nay Agribank dành hơn 70% tổng dư nợ để cho vay nông nghiệp, nông thôn, một lĩnh vực có chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao, trong đó đa số thuộc diện đối tượng ưu tiên lãi suất theo quy định của NHNN chỉ ở mức 6%. Khó khăn lớn đối với Agribank hiện nay là hầu như phải sử dụng vốn thương mại với lãi suất huy động bình quân đầu vào là 5,6% chưa tính các khoản dự trữ, trong khi lại chưa được cấp bù lãi suất.
Vì vậy, việc ưu tiên được làm ngân hàng phục vụ các dự án ủy thác đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như được nhận vốn nhàn rỗi từ các quỹ của Nhà nước, DN Nhà nước như bảo hiểm xã hội, quỹ hỗ trợ sắp xếp đổi mới DN... sẽ là những điều kiện thuận lợi để Agribank tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển "tam nông". Từ đó góp phần kiến tạo kinh tế đất nước theo hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.