Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ismailia, một trong những cảng nằm dọc kênh đào Suez, hôm 5/8, người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Mohab Mamish, cho biết, dự án khổng lồ này sẽ tạo ra một kênh đào Suez mới chạy song song với kênh đào hiện nay có tổng chiều dài lên tới 72km. Ông Mamish cho biết việc xây dựng kênh đào mới sẽ được khởi công trong một năm tới, cung cấp hơn 1 triệu việc làm. Số tiền thực hiện dự án được huy động từ các doanh nghiệp trong nước thay vì dựa vào vốn đầu tư nước ngoài. Hiện Ai Cập chưa tiến hành tham vấn nước ngoài về việc xây dựng kênh đào mới, song các lực lượng quân đội đã tiến hành thu dọn bom mìn sót lại ở khu vực sẽ trở thành công trường trong tương lai. Những ước tính ban đầu cho thấy dự án kênh đào mới sẽ tiêu tốn của Ai Cập khoảng 4 tỉ USD. Sau khi hoàn thành, kênh đào này sẽ giúp làm giảm thời gian chờ đợi để qua kênh đào của các tàu bè từ 11 giờ xuống còn 3 giờ, theo đó sẽ tăng số lượng các tàu di chuyển trên kênh đào lên tới 97 chiếc vào năm 2023 từ mức 38 chiếc hiện tại. Các chuyên gia nhận định dự án mới là một bước tiến quan trọng của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi để kích thích nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Ai Cập, nâng cao vị thế quốc tế và biến nước này thành một trung tâm thương mại lớn của thế giới. Kênh đào Suez được khởi công ngày 25/4/1859 và hoàn thành vào ngày 17/11/1869. Khi hoàn thành, kênh dài 195km, khúc hẹp nhất là 60m và độ sâu tại đó là 16m, đủ khả năng cho tàu lớn 150.000 tấn qua được. Ngay sau khi kênh Suez đi vào hoạt động đã lập tức làm ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến ngành vận tải thế giới. Kết hợp với đường sắt xuyên Mỹ hoàn thành 6 tháng trước đó, nó cho phép hàng hoá đi vòng quanh thế giới trong một thời gian ngắn kỷ lục. Kênh Suez hiện tại sâu 20m và chiều ngang di chuyển được giữa các phao nổi là 180m. Hằng năm, có khoảng 20.000 con tàu chuyên chở từ 300 tới 400 triệu tấn hàng, với một nửa là tàu chở dầu và chở hàng hóa đi qua kênh đào này. Kênh đào Suez hiện tại mang về cho Ai Cập 5 tỉ USD/năm, nguồn thu được coi có tính chất sống còn giữa lúc ngành du lịch và đầu tư nước ngoài giảm mạnh kể từ năm 2011.