Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai được hưởng lợi?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận những ngày qua xôn xao về dự thảo TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo.

Với việc đưa ra một loạt quy định được cho là có thể gây khó cho ngành nước mắm truyền thống, không ít nghi vấn được đặt ra: Liệu có “lợi ích nhóm” khi soạn thảo tiêu chuẩn?
Việt Nam là quốc gia có ngành sản xuất nước mắm truyền thống lâu đời. Thống kê cho thấy, toàn quốc hiện có tới hơn 2.800 DN, cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm. Hàng trăm năm qua, người tiêu dùng trong nước vẫn lựa chọn, sử dụng nước mắm như gia vị không thể thiếu mỗi ngày. Vào năm 2016, khi nước mắm truyền thống chìm trong “cơn bão asen”, Bộ NN&PTNT cũng đã đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống và kết luận “100% nước mắm truyền thống an toàn”. Điều này cho thấy, việc sử dụng nước mắm truyền thống không gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Vậy, vì sao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lại quyết định soạn thảo TVCN 12607:2019? Liệu có “lợi ích nhóm” trong nỗ lực cho ra đời bộ tiêu chuẩn này hay không? Câu trả lời hiện vẫn bị bỏ ngỏ, nhưng có một điều chắc chắn là sản xuất nước mắm truyền thống sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân là bởi dự thảo quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đưa ra một loạt yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; rồi quy định nhà sản xuất phải loại bỏ cá nguyên liệu bị phân hủy mạnh (có hàm lượng histamine cao)… Đây là những yêu cầu không phù hợp với sản xuất nước mắm truyền thống. Trong khi áp các tiêu chí này, nước mắm công nghiệp vẫn có thể đáp ứng được.
Nhưng nếu cho rằng, chỉ có các cơ sở sản xuất nước chấm công nghiệp được hưởng lợi thì cũng không hoàn toàn chính xác. Việc kiểm soát hàm lượng histamine, cũng như nhận diện các mối nguy về dư lượng hóa chất… sẽ giúp sản phẩm nước mắm truyền thống thêm an toàn hơn. Bởi, không ai cổ xúy cho việc sử dụng cá ươn để làm nước mắm! Tiêu chuẩn còn mang một ý nghĩa khác, đó là mở đường cho xuất khẩu nước mắm truyền thống, vốn lâu nay vẫn gặp khó vì chứa hàm lượng histamine cao.
Trước phản ứng gay gắt của các hiệp hội, DN, đại diện cơ quan soạn thảo đã lên tiếng nhấn mạnh: Dự thảo tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm chỉ là khuyến nghị, không bắt buộc áp dụng. Nhưng dù vậy dự thảo sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đây có thể xem là yếu tố tác động mạnh đến cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống, khiến nước mắm truyền thống thêm phần khó khăn hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều mà Bộ NN&PTNT, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cần làm là phải phân định rõ để người tiêu dùng biết, như thế nào là nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp, tránh tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” như hiện nay. Điều này không chỉ mang tới sự cân bằng trong cuộc cạnh tranh giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp, mà quan trọng hơn còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có được thông tin đầy đủ, từ đó, lựa chọn được sản phẩm nước mắm - nước chấm an toàn, chất lượng và phù hợp với khẩu vị của gia đình.