Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ai sẽ thắng trong cuộc chiến ứng dụng di động?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - iPhone vẫn chưa hết hấp dẫn, Nokia và nền tảng Symbian vẫn thống trị với thị phần lớn nhất nhưng Google cũng đang “nổi lên từng ngày”.

KTĐT - iPhone vẫn chưa hết hấp dẫn, Nokia và nền tảng Symbian vẫn thống trị với thị phần lớn nhất nhưng Google cũng đang “nổi lên từng ngày”.

Ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến ứng dụng di động?

Apple: Trong thế gọng kìm

“Quả táo” vẫn tiếp tục gặt hái thành công trước ánh mắt ghen tị của đối thủ cạnh tranh. Mới đây họ còn công bố chính thức đạt mốc 100.000 ứng dụng được đưa lên App Store – shop ứng dụng trực tuyến dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành iPhone OS và trở thành shop ứng dụng lớn nhất thế giới.

Nhưng dường như con số đó không mấy ý nghĩa bởi họ vẫn chỉ chiếm chưa đến 1% thị trường ứng dụng và trò chơi cho di động của thế giới. Thêm vào đó, Apple đang ở thế bị bao vây tứ phía.

Theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Strand Consult (Đan Mạch), Apple đang tỏ ra quá ích kỷ khi thực thi chính sách “mặc cả sát giá” với các nhà mạng viễn thông khiến họ rất khó kiếm tiền từ những chiếc iPhone. Với các nhà phát triển ứng dụng, Apple là một “gã địa chủ tàn bạo” bởi mức yêu cầu ăn chia ứng dụng bán trên App Store quá cao. Với mức phải trả lại cho Apple là 30%, đã có tới hơn 50% số nhà phát triển ứng dụng không bao giờ trở lại với Apple lần thứ 2.

Và đó cũng chính là “tử huyệt” mà Apple phơi ra cho các đối thủ Symbian và Google Android khai thác.

Nokia: Tự trói chân mình

Xét về lý thuyết, với hơn 35% thị phần trên thị trường di động toàn cầu và sự thống trị gần như tuyệt đối trên các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ - nơi  mà Apple và nhiều hãng di động khác đang rất chật vật tìm kiếm chỗ đứng… Nokia là một thế lực rất mạnh. Nhưng đế chế của Nokia đang cản trở chính họ trong việc phát triển các ứng dụng cho các mẫu sản phẩm của mình. Cùng chạy trên nền tảng Symbian nhưng mỗi dòng sản phẩm của Nokia lại có kích thước màn hình, hệ thống phần cứng khác nhau và phiên bản hệ điều hành cũng khác nhau. Với các nhà phát triển ứng dụng, đó là một cơn “ác mộng” bởi họ sẽ buộc phải phát triển nhiều phiên bản khác nhau cho một ứng dụng.

Nokia hứa hẹn sẽ tiến tới thống nhất các mẫu sản phẩm nhưng xem ra quá trình này vẫn quá chậm. Còn liên minh Symbian lại tuyên bố trong tương lai các nhà phát triển sẽ chỉ cần cho ra một phiên bản hệ điều hành Symbian thế hệ mới có khả năng tự động điều chỉnh để tương thích với tất cả các mẫu máy.

Nhưng các nhà phát triển lại hỏi: Tương lai là bao giờ khi chỉ có mỗi tính năng tìm kiếm trên Ovi Store (shop ứng dụng của Nokia) “chết” suốt 2 tháng mà Nokia vẫn không thể sửa nổi?

Google Android – quá ôm đồm

Google đã quyết định lao mình vào vòng nước xoáy của cuộc chiến di động và họ cho thấy mình là một đối thủ không ai dám coi thường. Đa số những mẫu điện thoại cảm ứng mới ra đời gần đây đều sử dụng nền tảng Android, một nền tảng nguồn mở mà cả các nhà mạng và nhà phát triển ứng dụng đều hào hứng bởi họ sẽ không còn phải đóng vai “lao công” như khi làm ăn với Apple.

Chưa hết, Google còn đang khiến các đối thủ “lo sốt vó”  khi tuyên bố với người dùng các ứng dụng của họ rằng : “Đừng trả tiền cho chúng tôi, chúng tôi sẽ trả tiền cho bạn”. Điều này có nghĩa rằng các ứng dụng mà họ cung cấp trên nền tảng Android sẽ không chỉ miễn phí mà còn giúp người dùng kiếm lợi từ đó.

Nhưng dường như Google đang quá tham lam và ôm đồm. Vì thế, ở thời điểm này vẫn thật khó để xác định ai sẽ là người giành chiến thắng trong cuộc chiến ứng dụng di động bởi các đấu sĩ vẫn còn rất mạnh và khao khát.