Cụ thể, trong một cuộc họp báo tại Seoul (Hàn Quốc) nhân chuyến thăm đầu tiên tới một quốc gia thành viên AIIB, ông Kim Lập Quần cho biết các quan chức AIIB đã tiến hành nhiều vòng thảo luận với các nhà chức trách Mỹ và Nhật Bản về các hình thức hợp tác. Do đó, cánh cửa trở thành thành viên của AIIB vẫn luôn mở để chào đón Mỹ cùng đồng minh than cận Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ông Kim Lập Quần cũng cho biết AIIB sẽ hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cũng như các định chế tài chính khác, cũng như tìm kiếm cơ hội cùng góp vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng với họ.
Trước đó, đại diễn chính quyền Mỹ đã bày tỏ quan điểm sự ra đời của AIIB sẽ làm suy yếu các thể chế tài chính đa phương hiện nay và có thể dẫn tới việc nới lỏng hơn các tiêu chuẩn cho vay. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo từ Washington, nhiều nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Australia và Hàn Quốc đã xác nhận tham gia AIIB.
AIIB gồm 57 thành viên sáng lập, trong đó 51 nước đã ký các điều khoản liên kết thành lập ngân hàng này vào tháng 7. Theo các điều khoản thành lập, Trung Quốc sẽ đóng góp gần 30% vốn cơ bản của AIIB, trở thành cổ đông lớn nhất và giành được 25 - 30% quyền biểu quyết. Trụ sở AIIB sẽ tọa lạc tại Bắc Kinh, cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.