Theo đó, việc tỷ giá đồng Nhân dân tệ tiếp tục đà suy giảm đã thúc đẩy một làn sóng hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường Ấn Độ, qua đó gây sức ép lên các DN trong nước, cũng như làm bùng phát rủi ro gia tăng thâm hụt thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. |
Nhằm đối phó với tình trạng này, cố vấn kinh tế trưởng của Ngân hàng T.Ư Ấn Độ (SBI) Soumya Kanti Ghosh cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra giải pháp nhằm hỗ trợ DN trong nước, cũng như ngăn chặn đà tăng giá của đồng Rupee. Về lâu dài, Ấn Độ cần hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm tránh những tác động tiêu cực không đáng có đối với các DN nội địa, qua đó trực tiếp ảnh hưởng tới chiến dịch “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa trong nước.
Những hệ lụy từ việc nhập khẩu ồ ạt hàng hóa từ Trung Quốc càng được nhân lên khi Ấn Độ đang tiến hành triển khai thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) mới để thay thế cho hàng chục loại thuế của chính quyền trung ương và địa phương. Giới chuyên gia lo ngại quá trình chuyển giao áp dụng thuế GST sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế, khi đối tượng bị áp thuế là các DN sẽ phải mất một khoảng thời gian để làm quen với các chính sách và quy định mới. Theo số liệu chính thức, sản xuất công nghiệp của Ấn Độ trong tháng 6 đã giảm lần đầu tiên trong 4 năm qua. Đây rõ ràng là một dấu hiệu không mấy lạc quan trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường.
Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Các mặt hàng chính được quốc gia Nam Á nhập khẩu từ đối tác này bao gồm thiết bị điện tử, máy móc và hóa chất. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng 9 lần trong 10 năm qua lên 49 tỷ USD vào năm 2016. Con số này đã tăng lên 51 tỷ USD trong năm tài khóa tính đến 31/3, với tổng giá trị nhập khẩu vào khoảng 61,3 tỷ USD.
SBI thường không can thiệp vào những biến động hàng ngày lên tỷ giá đồng Rupee, cũng như ấn định một mức cụ thể nào cho tỷ giá này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, SBI đã có những động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ngăn đà tăng giá của đồng Rupee. Tính đến đầu năm nay, tỷ giá đồng Rupee đã tăng gần 2% so với đồng Nhân dân tệ. Ông Ghosh cảnh báo, đà tăng giá của đồng nội tệ một khi còn tiếp diễn sẽ chỉ khiến giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng rẻ hơn, như vậy con số 61,3 tỷ USD giá trị hàng hóa Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới.
Ở thời điểm Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang tiếp tục “giằng co” nhằm giành quyền lực mềm ở khu vực châu Á, chính quyền New Dehli cần có những bước đi sáng suốt nhằm tránh sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các yếu tố bên ngoài, qua đó duy trì sự ổn định ở cả trong nước và châu Á.