Cho tới nay, thế giới đã thực hiện 51 chương trình đưa tàu tới sao Hỏa, nhưng chỉ có 21 dự án thành công. Ở châu Á, sứ mạng thám hiểm sao Hỏa do Nhật Bản tiến hành năm 2003, Trung Quốc thực hiện năm 2011 đã phải dừng lại. Nếu sứ mệnh của Mangalyaan hoàn thành, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới đưa được tàu đến sao Hỏa sau Mỹ, châu Âu và Nga.
Ấn Độ phóng thành công tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa. Ảnh: AFP
|
Bước đi này đánh dấu quá trình thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia châu Á duy nhất chạm được đến "Hành tinh Đỏ" của Ấn Độ với chương trình công nghệ không gian chi phí thấp. Sứ mệnh sao Hỏa của Ấn Độ chỉ tốn 73 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số "khủng" 671 triệu USD mà Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) đã chi ra để đưa tàu MAVEN lên sao Hỏa vào tháng 11 này. Vì được đầu tư với nguồn lực khiêm tốn nên tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ nặng 1.350 kg, tương đương kích thước một chiếc xe ô tô nhỏ, được đẩy bằng một quả tên lửa nặng 350 tấn, nhỏ hơn nhiều so với các tên lửa đẩy tương đương của Mỹ và Nga. Do không đủ năng lượng để bay trực tiếp, tàu sẽ bay vòng quanh quỹ đạo Trái Đất trong gần một tháng để "tích lũy" đủ vận tốc cần thiết trước khi bật ra ngoài vũ trụ. Chỉ khi đó nó mới bắt đầu giai đoạn hai của cuộc hành trình dài 9 tháng tới "Hành tinh Đỏ". Nếu bay tới được quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 24/9/2014, tàu Mangalyaan sẽ vẽ bản đồ bề mặt hành tinh đỏ, nghiên cứu bầu khí quyển và tìm kiếm khí methane, dấu hiệu cho thấy một hành tinh có khả năng duy trì sự sống.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với chương trình phiêu lưu trong không gian này của chính phủ Ấn Độ khi mà 350 triệu dân còn đang sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày và 30% dân số không có điện. Nhiều người cho rằng, việc chinh phục các lãnh thổ bên ngoài Trái Đất là một cột mốc phát triển của đất nước, không thể vì nghèo mà đánh mất tham vọng. Với số tiền trị giá 73 triệu USD, Ấn Độ có thể đạt được bước phát triển vượt bậc về công nghệ vũ trụ để hỗ trợ nền kinh tế, quân sự, khoa học. Đơn cử như công nghệ không gian đã tăng cường đáng kể năng lực dự báo thời tiết của New Delhi, giúp Ấn Độ dự báo chính xác cơn bão đánh vào Odisha tháng trước, di tản 1 triệu người kịp thời. Rõ ràng, với chương trình đưa tàu vũ trụ không người lái đầu tiên thám hiểm sao Hỏa, Ấn Độ đã thể hiện những toan tính khôn ngoan của mình trong cuộc đua chinh phục không gian bằng số tiền khiêm tốn so với những "ông lớn" trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ.