Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ấn Độ - thị trường tiềm năng của nông, thủy sản Việt Nam

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ấn Độ với dân số hơn 1 tỷ người là thị trường lớn ở khu vực Trung Nam Á trong tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm thế mạnh Việt Nam như trái cây tươi và chế biến, chè, hạt tiêu, cao su, bánh kẹo, cá tra, các sản phẩm từ ngũ cốc…

Nếu vào được thị trường này, Việt Nam có thể bán được nhiều loại nông, thủy sản và mở ra thị trường mới cho DN chuyển hướng xuất khẩu (XK) khi dịch Covid-19 được khống chế. 
Tiềm năng chưa được khai thác hết
Với dân số gần 1,4 tỷ dân nhưng trong những năm qua lượng và kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam từ Ấn Độ vẫn còn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của quốc gia này. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,6 tỷ USD, tăng 2,1% so với 2018.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Cái Lân. Ảnh: Chiến Công
Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Nam Á, đồng thời còn là thị trường hiếm hoi duy trì xuất siêu. Dù vậy, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện Việt Nam và Ấn Độ đã cam kết đưa kim ngạch song phương lên 15 tỷ vào năm 2020, so với năm 2019 tăng 32%. Đây là mức tăng khá cao, song về trị giá chỉ là 3,7 tỷ USD cho cả hai chiều.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, gần đây người dân, DN Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến các sản phẩm nông sản Việt Nam như cá basa, hoa quả. "Trái thanh long Việt Nam do ngon hơn thanh long của nhiều nước khác nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn và tiệc cưới sang trọng tại Ấn Độ" - ông Vũ Bá Phú nêu ví dụ.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) Atul Kumar Saxena: Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam có cơ hội XK sang thị trường Ấn Độ như: Cà phê, chè, hạt điều, ca cao, gạo, thanh long, gia vị... "Từ lâu các loại gia vị, hương liệu masala của Pakistan đã chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ, nhưng đang gặp khó khăn vì lệnh cấm giao thương Ấn Độ - Pakistan. Vì thế, thị trường gia vị, hương liệu thực phẩm tại Ấn Độ vẫn đang bỏ ngỏ, các DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này XK hạt tiêu, hồi, thảo quả…” - ông Atul Kumar Saxena nói.
Làm quen lối chơi mới
Nhận định về chiến lược mở rộng thị trường XK, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, để tăng kim ngạch đòi hỏi Việt Nam phải đa dạng hóa và cơ cấu lại thị trường. Trong đó, Ấn Độ là một trong những thị trường rất lớn, nhiều tiềm năng cho DN Việt Nam có thể hướng tới.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) với dân số lớn thứ 2 thế giới Ấn Độ là thị trường lớn để DN XK hàng hóa. Thực tế hoạt động xúc tiến thương mại tại Ấn Độ cho thấy các mặt hàng hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu, vú sữa Việt Nam có nhiều triển vọng tiếp cận và XK số lượng lớn thông qua các hợp đồng dài hạn. "Tuy nhiên, DN Việt Nam trong quá trình XK cần lưu ý đến văn hóa tiêu dùng của người Ấn Độ chủ yếu là đạo Hồi và đạo Hindu” - PGS.TS Phạm Tất Thắng khuyến cáo.
Với kinh nghiệm lâu năm theo sát thị trường Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu khuyến cáo: Thị trường Ấn Độ có những khác biệt rất lớn so với nhiều thị trường khác đó là sự bảo thủ khi Ấn Độ đang là thị trường bảo hộ mậu dịch lớn nhất châu Á, với hàng rào bảo hộ thuế và phi thuế ở mức khá cao và các biện pháp chống bán phá giá.
Trong những năm qua, nhiều mặt hàng XK Việt Nam vào Ấn Độ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, vì vậy nhiều DN XK Việt Nam dè dặt khi tiếp cận thị trường này. Do đó, để thâm nhập thị trường này, DN Việt Nam cần tận dụng tốt hệ thống phân phối hàng hóa của Ấn Độ, bởi đây kênh thuận lợi nhất đưa hàng Việt tới người tiêu dùng.
Mặc dù Ấn Độ là thị trường rộng lớn, tuy nhiên để khai thác được đòi hỏi chính bản thân các DN Việt cần linh hoạt chuyển đổi cách thức sản xuất, tiếp cận, quảng bá sản phẩm cho phù hợp thực tế.

"DN Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ phương thức vận tải đường thủy sang Ấn Độ bởi đây là phương thức vận chuyển ít tốn kém khi có đơn hàng lớn. Đồng thời nhập khẩu những mặt hàng có chất lượng cao từ Ấn Độ như ô tô giá rẻ, các thiết bị công nghệ, nguyên liệu may mặc, dệt nhuộm, bông sợi, điện tử." - PGS.TS. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương)