Nguồn cơn hỏa hoạn
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), thực hiện Kế hoạch 359/KH-CAHN ngày của Công an TP Hà Nội về Tổng kiểm tra công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018, từ ngày 11/01 đến ngày 17/01, lực lượng chức năng Công an TP đã tổ chức kiểm tra 1.290 cơ sở, trong đó có 139 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH... Các cơ sở vi phạm chủ yếu tập trung ở: Thanh Xuân, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm…
Lực lượng Cảnh sát PCCC (Công an quận Thanh Xuân) diễn tập về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại nhà dân. |
Theo đại diện Đội Cảnh sát PCCC (Công an huyện Hoài Đức), cuối năm là thời điểm người kinh doanh tích trữ hàng hóa với số lượng lớn để phục vụ Tết. Vì vậy, chỉ cần một sơ suất nhỏ, lơ là trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt, sắp xếp hàng hóa không đúng quy cách… có thể dẫn đến những sự cố cháy, nổ nghiêm trọng. Với diện tích các kho rộng, lượng hàng hóa lớn, khi xảy ra cháy rất dễ lan nhanh và khó kiểm soát.
Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất thường thuê nhà chưa hoàn thiện để làm xưởng. Thậm chí, các xưởng sản xuất nhỏ lẻ này nằm ngay khu dân cư đông đúc... Tại các xưởng chỉ tạo vách ngăn tạm bợ, công nhân vừa ở, đun nấu, hút thuốc, câu mắc điện một cách tùy tiện nên dễ gây cháy. Đến khi xảy ra cháy, ngọn lửa bùng phát rất nhanh, sản sinh nhiều khói, khí độc. Lực lượng chức năng rất khó tiếp cận hiện trường, nhất là với các xưởng nằm trong ngõ nhỏ ở khu dân cư.
Phó Trưởng ban An toàn Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội Nguyễn Đăng Thiện cho hay, qua thống kê của lực lượng PCCC, nguyên nhân chiếm đa số trong các vụ cháy là do điện. Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Tại các cơ sở sản xuất, việc tăng ca, tăng thiết bị sản xuất trong khi hệ thống điện không thay đổi dẫn đến quá tải, chập mạch gây cháy. Còn tại các chợ, do lượng người tham gia giao thương lớn, cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ cháy nổ. Việc sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình cũng tăng cao... Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.
Chủ động phòng ngừa
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội cho hay, cuối tháng 12/2018, Công an TP Hà Nội đã tổ chức 30 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy tại các khu dân cư cho lực lượng PCCC cơ sở, người kinh doanh tại 30 quận, huyện, thị xã.
Thiếu tá Vũ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) cho biết: Lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức tập huấn tại các khu dân cư về kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, cách sử dụng bếp gas và các thiết bị điện sinh hoạt an toàn. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, công tác PCCC càng cần được chú trọng, tăng cường. Đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát chặt chẽ tại các khu dân cư, địa điểm tập trung đông người có khả năng cháy, nổ cao. Qua đó, giúp người dân, hộ kinh doanh thấy được những sơ hở để khắc phục, bảo đảm an toàn PCCC, nâng cao ý thức phòng ngừa.
Từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị Cảnh sát PCCC cơ sở tăng cường kiểm tra an toàn PCCC bằng nhiều hình thức như: Kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất tại các kho hàng, xưởng sản xuất, nhất là các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao trong diện quản lý nhà nước về PCCC. Qua đó, nhằm phát hiện những tồn tại, thiếu sót để có hình thức xử lý, đồng thời khuyến nghị các cơ sở có biện pháp khắc phục nhằm hạn chế tối đa sự cố cháy, nổ xảy ra.
Cảnh báo về những nguy cơ khó lường cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên đán, Thiếu tá Vũ Hoài Nam đưa ra khuyến cáo: Người dân cần thường xuyên tự kiểm tra nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ từ nguồn điện, nguồn nhiệt… Mỗi gia đình nên trang bị ít nhất một bình chữa cháy và mỗi thành viên trong gia đình phải biết cách vận hành bình chữa cháy để sử dụng khi xảy ra cháy. Đồng thời, người dân cũng cần chủ động nghiên cứu, nắm vững kiến thức cơ bản về chữa cháy, thoát nạn, cứu người khi xảy ra sự cố.
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội): Năm 2018 trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra gần 800 vụ cháy. Các vụ cháy làm 10 người tử vong, 20 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 350 tỷ đồng. Trong đó, hơn 60% vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố điện; hơn 50% các vụ cháy xảy ra tại hộ gia đình, khu dân cư. Cũng theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC, hiện nay, Hà Nội có gần 500 nghìn nhà liền kề dạng ống, trong đó có khoảng 120 nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh, mặt tiền thường bị bịt kín bởi biển hiệu, hàng hóa, không có lối thoát nạn... |