Cả chuỗi những hoạt động khủng bố như thế từ vài năm nay đã làm sâu sắc và trầm trọng thêm những vấn đề chính trị xã hội nội bộ dai dẳng lâu nay và luôn sẵn sàng bùng nổ thành xung khắc bạo lực ở nước này. Cho nên tác hại của nó thật khôn lường đối với triển vọng an ninh và ổn định ở nơi đây.
Kể từ khi Bangladesh được thành lập năm 1972 đến nay, xung đột tôn giáo không những không được giải quyết mà thậm chí còn trở nên quyết liệt hơn khi nó trở thành một trong những tác nhân quyết định chuyện quyền lực nhà nước ở nơi này. Một khi đã bị chính trị hóa phục vụ cho cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ thì những xung khắc tôn giáo như thế sẽ không bao giờ được khắc phục ổn thỏa và giải quyết dứt điểm. Cho tới nay, Bangladesh về cơ bản vẫn chưa khắc phục được hết di sản tiêu cực của lịch sử từ cuộc chiến tranh mà kết quả của nó là sự thành lập nhà nước Bangladesh độc lập, tách khỏi Pakistan. Thuộc địa Anh ở nơi đây trở thành 3 nhà nước độc lập là Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, nhưng cả 3 nước này lại phụ thuộc lẫn nhau bởi chia sẻ biên giới chung và bởi không thể tách bạch được phân minh và dứt khoát những mối dây mơ rễ má về văn hóa, sắc tộc và tôn giáo. Khủng bố ở Bangladesh thể hiện tính cực đoan và cả ý thức hệ của đạo Hồi, vì thế không là vấn đề an ninh chỉ của Bangladesh mà còn của cả những nước khác nữa trong khu vực này. Khủng bố như thế cho thấy sự bất lực của Chính phủ Bangladesh trong việc giải quyết mối bất hòa về tôn giáo này. Còn nếu Chính phủ Bangladesh chủ ý duy trì mối bất hòa ấy để củng cố vị thế quyền lực và để luôn luôn có thể mạnh tay thanh trừng những lãnh tụ của phe đối lập và đối phó với những tổ chức Hồi giáo vũ trang cực đoan thì giờ lợi đã bất cập hại. Vụ khủng bố mới rồi nhằm trực diện vào người nước ngoài ở Bangladesh, có nghĩa là nhằm vào mục tiêu và vươn tới tác động khác biệt so với trước. Nó gây nên vấn đề khó khăn mới cho Chính phủ Bangladesh. Cho tới nay, Chính phủ Bangladesh vẫn duy trì quan điểm cho rằng, thủ phạm khủng bố ở Bangladesh chỉ là những tổ chức hay lực lượng Hồi giáo bản xứ chứ không phải tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada. Lập luận như thế giúp Chính phủ Bangladesh dễ dàng chủ động ứng phó hơn. Nhưng nếu khủng bố ở Bangladesh là sản phẩm của IS như IS đã đứng ra nhận trách nhiệm thì hậu quả không chỉ càng thêm tai hại đối với Chính phủ Bangladesh mà cả các nước khác trong khu vực cũng bị thách thức. Một khi IS đã mở rộng phạm vi đến nơi đây thì tình hình chính trị an ninh sẽ trở nên vô cùng phức tạp và việc đối phó với hoạt động khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan trở nên khó khăn và khó thành công hơn. Như thế chẳng khác gì thù trong liên kết với giặc ngoài đối với tất cả Chính phủ những nước trong khu vực này.
Lực lượng an ninh Bangladesh bên ngoài nhà hàng nơi các con tin bị bắt giữ. (Ảnh: AP) |