Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ăn sinh vật biển lạ: Nguy hại khôn lường

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc do ăn cá, ốc lạ, dẫn đến tử vong đã gây xôn xao dư luận. Để không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên ăn những loài sinh vật lạ, có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm (ATTP).

Tử vong do ăn sinh vật lạ
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện (BV) quận 2, TP Hồ Chí Minh đã cứu sống một nam bệnh nhân tên N.T.Q. (40 tuổi), bị ngộ độc nặng do ăn bao tử (dạ dày) cá mặt thỏ nhiễm độc. Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước đó anh Q. chế biến món dạ dày cá mặt thỏ để dùng trong bữa cơm trưa, đây là món anh hay ăn thường ngày. Tuy mới chỉ nếm thử, anh Q. cảm thấy tê bên trong khoang họng lan dần ra mặt và tay chân rồi nôn ói. Nghi mình ngộ độc, anh Q. nhờ người đưa đi BV cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật nhẹ, yếu liệt tay chân, thở khó, tê vùng đầu, mặt, nói đớ (líu lưỡi). Ít phút sau, bệnh nhân mất tri giác, hôn mê sâu, tím tái, đồng tử giãn, tình trạng vô cùng nguy kịch.
 Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện quận 2. Ảnh: Ngô Bình
Trước các triệu chứng ồ ạt đó, bác sĩ nghĩ nhiều đến ngộ độc chất Tetrodotoxin (TTX), độ 3 - 4. Vì vậy, bệnh nhân Q. bắt buộc phải lọc máu hấp thụ chất độc, nếu không sẽ tử vong. Sau nhiều giờ lọc máu liên tục, bệnh nhân dần hồi tỉnh. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Theo các bác sĩ, bệnh nhân không bị di chứng về sau, tuy nhiên do độc tố mà bệnh nhân ăn phải quá mạnh nên cần được theo dõi thêm một thời gian, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Trước đó, Sở Y tế Khánh Hòa cũng đã xác định được loại ốc lạ mang độc tố TTX khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Ngay sau vụ ngộ độc, mẫu ốc được gửi tới Viện Hải dương học Nha Trang.
Viện Hải dương học Nha Trang đã xác định trong số 30 cá thể ốc biển thu thập được từ vụ ngộ độc trên thì có 29 cá thể thuộc loài ốc bùn răng cưa (Nassarius papillosus) và một cá thể thuộc loài ốc bùn bóng (Nassarius glans). Qua phân tích, các chuyên gia xác định trong 2 loại ốc đều có hàm lượng độc tố TTX rất cao, gấp 21,7 - 77,7 lần giới hạn cho phép. Ước tính, chỉ cần ăn 5 -10 cá thể ốc trên đủ gây ngộ độc tử vong cho người bình thường. TTX là độc tố thần kinh đã được biết đến trong nhiều loài cá nóc biển ở Việt Nam.
Trên thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc ốc sau khi ăn. Trước đó, tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cũng từng ghi nhận trường hợp tử vong do ăn ốc bùn bống hay ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã có trường hợp tử vong do ăn ốc bùn răng cưa… Hay trước đó là vụ ngộ độc cá nóc tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khiến một người tử vong, một người nguy kịch.
Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu
Liên quan đến vấn đề ngộ độc sinh vật lạ, TS Lâm Quốc Hùng – Cục ATTP, Bộ Y tế đã từng chia sẻ, đa số loài ốc, cá được sử dụng làm thực phẩm nhưng một số loài có khả năng gây ra tình trạng ngộ độc nặng, nguy kịch tính mạng.
Một số loài ốc biển có chứa các độc tố gây ngộ độc, hai loại chính là Saxitoxin và TTX. TTX có trong ốc tù, ốc bùn, ốc ngọc hay con sò biển... Các độc tố này không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến ngay cả ở nhiệt độ cao.
“Ngộ độc cấp tính từ ốc biển có chứa độc tố TTX hay Saxitoxin thường xảy ra từ 20 phút đến 3 giờ sau khi ăn. Người bệnh có thể có biểu hiện sớm như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, đau bụng, buồn nôn, nôn, chóng mặt, tê tay chân… Chỉ sau 30 phút hoặc 8 giờ (tùy thuộc mức độ ngộ độc nặng hay nhẹ) không được cấp cứu kịp thời, người bệnh suy hô hấp cấp, truy tim mạch và dẫn đến tử vong” - TS Lâm Quốc Hùng lưu ý.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, độc tố TTX trong ốc bùn có khả năng gây liệt cơ hô hấp cực nhanh. Nạn nhân có thể khó thở, liệt cơ hô hấp sau khi ngộ độc chừng 30 phút. Người dân chỉ cần ăn khoảng 2 - 3 con là đã có thể ngộ độc. Trường hợp nặng có thể co giật, sùi bọt mép, hôn mê và tử vong do liệt cơ hô hấp.

Một số chuyên gia đưa ra khuyến cáo, những trường hợp ngộ độc do độc tố TTX và Saxitoxin vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu. Do vậy, nếu người dân ăn phải những loại ốc, cá lạ có chứa độc tố này cần nhanh chóng kích thích nôn, rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Bệnh nhân khi có biểu hiện bất thường sau ăn cần vào viện sớm, việc điều trị triệu chứng kịp thời. Người bệnh cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn bằng thở máy, truyền mạch…

Theo các chuyên gia, không chỉ ăn ốc biển lạ, ngay với ốc thông thường, người dân khi ăn cũng cần phải hết sức lưu ý. Ốc chứa ký sinh trùng nhiều nên không được ăn sống, ăn tái… Các loại ấu trùng đi vào cơ thể xuyên qua thành ruột di chuyển lên não và tủy sống có thể gây ra nhiều bệnh như viêm màng não, giảm thị lực… Bởi vậy, khi người dân sử dụng ốc làm thức ăn đều phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn.

"Theo các kết quả ghi nhận về các loài cá biển thì TTX - độc tố trong cá nóc, mực đốm xanh, cua móng ngựa… là những loài có nguy cơ gây ngộ độc. Do đó, người dân tuyệt đối không nên ăn những loài sinh vật màu sắc sặc sỡ có tiền sử gây ngộ độc hoặc chưa được kiểm chứng chắc chắn ATTP để chế biến thành thức ăn." - TS Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học