Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ẩn số quan trọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine ngày càng sâu sắc, cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tổ chức hôm 26/10 dù khó đoán định kết quả nhưng được các chuyên gia dự đoán là sẽ trở thành một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình xử lý khủng hoảng tại quốc gia này.

Đúng 8 giờ sáng 26/10 giờ Ukraine (tức 13 giờ Việt Nam), 32.000 điểm bỏ phiếu trên lãnh thổ Ukraine và 112 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài đã mở cửa để đón 34 triệu cử tri nhằm bầu ra 450 ghế trong Quốc hội khóa VIII. Theo luật hiện hành, một nửa trong tổng số 450 ghế của Quốc hội Ukraine được bầu theo danh sách các chính đảng và nửa còn lại được bầu theo các khu vực.

Tuy nhiên, trong số 225 đại biểu bầu theo danh sách các khu vực như thông lệ, sẽ có 26 đại biểu chưa được bầu, trong đó 10 đại biểu của Crimea, 2 đại biểu của Sevastopol, do bán đảo này đã sáp nhập vào Nga và 14 đại biểu của vùng Donbass (Donetsk và Lugansk), khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập đã kiên quyết tẩy chay bầu cử. Mặc dù vậy Ủy ban Bầu cử T.Ư Ukraine (SIC) cho biết vẫn tổ chức các điểm bỏ phiếu tại 2/3 trong tổng số 32 huyện ở Donetsk và Lugansk.
 
Cử tri Ukraine bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Thủ đô Kiev.  	 Ảnh: AFP
Cử tri Ukraine bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Thủ đô Kiev. Ảnh: AFP
Nhiều nhà quan sát đã bày tỏ sự lạc quan về một Quốc hội thống nhất, sẵn sàng ủng hộ tương lai theo châu Âu của Kiev thay vì bị chia rẽ bởi hai phe thân Nga và thân phương Tây như trước kia. Tuy nhiên, trên thực tế, dù có sự tham gia của 7.000 ứng viên thuộc 29 chính đảng nhưng việc không có đảng phái nào nổi trội để có thể giành được đa số tín nhiệm của cử tri khiến không ít người nghi ngại về cơ cấu ghế giữa phe cải cách và chống cải cách trong Quốc hội Ukraine. Điều đáng nói, trong lúc còn khoảng 30% số cử tri trước giờ mở cửa các điểm bầu cử chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai, giới chức Ukraine lại tỏ rõ sự sốt ruột với nhiều lời kêu gọi phải nhanh chóng thành lập một Chính phủ mới ngay sau khi kết quả bầu cử Quốc hội được công bố. Tuy nhiên, nhìn vào cục diện chính trường có thể thấy, Ukraine cần nhiều hơn một cuộc bầu cử mang nặng tính hình thức và hao tốn tiền của. Bản thân Tổng thống Poroshenko sau 7 tháng chèo lái đất nước đã bắt đầu thể hiện sự bất lực trước tình trạng nạn tham nhũng, thâm hụt ngân sách; sự mệt mỏi trước các cuộc xung đột liên miên trong lúc nguy cơ của một cuộc nổi dậy mới đang dần hình thành.

Hiện chưa rõ kết quả bầu cử Quốc hội Ukraine nhưng có một điều chắc chắn là các Nghị sĩ cũng như các thành viên Chính phủ tương lai sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách như khẩn trương cung cấp nhiên liệu và điện sinh hoạt trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt đang đến gần; giải quyết khủng hoảng tại miền Đông; sớm thông qua đạo luật về ngân sách Nhà nước để ổn định và phát triển kinh tế…

 
Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu kết thúc hôm 25/10 ở Thủ đô Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên tổ chức này đã cam kết tiếp tục can dự đầy đủ trong việc hỗ trợ tìm giải pháp chính trị cho Ukraine.