KTĐT - Đầu tư vào bóng đá là cách làm thương hiệu vô cùng hiệu quả. Không dừng lại ở đó, một số đội bóng biết cách tận dụng những cuộc bán mua để thể hiện sức mạnh về tài chính và qua đó đánh bóng tên tuổi.
Tuy nhiên, không ai biết đích xác giá trị thực hợp đồng là bao nhiêu nhưng nền bóng đá lại đối diện với những cơn sốt ảo, làm khổ những CLB có tiềm lực tài chính vừa phải.
Có lần, ông Đỗ Thanh Xuân - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định tuyên bố: “Ngân sách hoạt động của CLB chúng tôi chưa đầy hai chục tỷ đồng. Số tiền đó không chỉ nuôi đội 1, mà còn trang trải cho hệ thống trẻ. Thế nên, khi nghe đội bóng nào chi vài chục tỷ, thậm chí nhiều hơn thế thì chỉ biết vậy thôi. Việc mình mình làm, có ai kiểm soát được tuyên bố về tài chính của các đội bóng đâu?”.
Điều ông Xuân quan tâm chính là hiện tượng “chém gió” trong làng bóng đá. Thậm chí, một số đội bóng lợi dụng tối đa chiêu thức này để thể hiện sức mạnh tài chính. Những bản hợp đồng “khủng” được loan báo, nhưng không ai khẳng định được tính thực tế của nó. Hệ quả là dư luận nhìn ông “bầu” với con mắt sửng sốt về sự bạo chi. Cầu thủ luôn được ngưỡng mộ, ví là đôi chân bạc tỷ. Và ở đâu đó, đã có cầu thủ phản ứng với người ký hợp đồng với mình vì nhận được ít tiền lót tay hơn thông tin trên báo. BĐVN đã có hiện tượng “phóng đại” để khẳng định đẳng cấp.
Không ai đánh thuế những bản hợp đồng “khủng” trong làng bóng đá. Và vì thế, ngày càng nhiều những hợp đồng thuộc diện “bom tấn” xuất hiện. Những cú sốc trên thị trường chuyển nhượng thu hút sự quan tâm của dư luận là thành công về mặt thương hiệu. Chỉ có điều, tình trạng nhiễu thông tin, hoặc thiếu sự minh bạch về tài chính của những bản hợp đồng đôi khi khiến giới cầu thủ “ảo tưởng” về giá trị của mình. Họ đặt cho mình cái giá quá cao so với những gì có thể cống hiến.