Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

An toàn cho tiền gửi

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội đã chính thức bấm nút thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ 15/1/2018.

Trong đó quy định 5 phương án cụ thể cơ cấu lại các tổ chức tín dụng thuộc diện “kiểm soát đặc biệt” gồm: Phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc; phá sản. Trong các phương án này thì phá sản tổ chức tín dụng là mới nhất, lần đầu được áp dụng.
Việc cho phá sản ngân hàng là điều nên làm, nhưng ứng xử với tiền gửi của tổ chức, cá nhân như thế nào cũng là một vấn đề đáng lưu tâm, vì có đến 80% tiền trong ngân hàng là của người dân. Quy định hiện nay về mức chi trả bảo hiểm tiền gửi mới chỉ ở mức tối đa 75 triệu đồng/khoản gửi, nghĩa là người gửi 100 triệu đồng với 10 tỷ đồng được đền bù giống nhau một khi ngân hàng mình gửi tiết kiệm bị phá sản.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) đều đặt mục tiêu an toàn hệ thống, lòng tin người dân, đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền… Phá sản ngân hàng là biện pháp cuối cùng để xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập - hợp nhất... nhằm ổn định hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội. Còn khi phá sản ngân hàng, trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Quốc hội xem xét giải pháp đặc biệt nhưng vẫn thực hiện theo mục tiêu trên.

Chuyện cho phép phá sản ngân hàng đã được bàn từ vài năm trước, nhưng lúc đó, rất nhiều ý kiến đưa ra: Nếu các ngân hàng trong nước khi phá sản không trả đầy đủ cho người dân thì sẽ gây tác hại cho cả nền kinh tế và mất trật tự an toàn xã hội. Chính phủ được sử dụng nguồn lực Nhà nước hỗ trợ bồi thường tín dụng trong trường hợp phá sản hay thế nào? Tiền ngân sách bỏ ra cho vay lấy lại thế nào… vẫn là câu hỏi đặt ra. Trong khi Luật lần này nêu không sử dụng ngân sách Nhà nước xử lý ngân hàng yếu kém?

Trong Luật lần này, việc chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản cũng không được quy định, mà sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực Nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể.

Việc cho phá sản một TCTD, đặc biệt là những TCTD lớn là một vấn đề phức tạp. Thủ tục phá sản, định giá, thanh lý tài sản của TCTD có thể gây khó cho cơ quan quản lý và cả đơn vị thực thi. Do đó, việc xây dựng các văn bản dưới luật nên có những hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để khi thực hiện, cơ quan quản lý dễ theo dõi, giám sát, về phía đơn vị thực thi có thể thực hiện mà ít gây ra sự xáo trộn, bất đồng quyền lợi giữa các bên có liên quan.