Phụ nữ với vai trò là người quán xuyến công việc gia đình nên được nhìn nhận là nhân tố quan trọng trong việc giảm thiểu các nguy cơ mất ATGT khởi phát từ mái ấm, là "cánh tay" đắc lực cho các tổ chức xã hội trong việc đảm bảo TTATGT trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Nhiều phụ huynh đã ý thức trong việc đội mũ bảo hiểm, đảm bảo an toàn cho con em mình khi tham gia giao thông. Ảnh: Trọng Quỳnh |
Thói quen khởi nguồn từ gia đình Từ nhiều năm nay, các cơ quan, đoàn thể đã tổ chức nhiều cuộc vận động, chiến dịch nhằm xây dựng "văn hóa giao thông", các cuộc thi tìm hiểu về ATGT… Trong đó, kết quả của việc triển khai Nghị quyết liên tịch số 01 giữa T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia về thực hiện cuộc vận động "Phụ nữ cả nước tích cực tham gia giữ gìn trật tự ATGT và trật tự đô thị" (giai đoạn 2003 - 2013) đã khẳng định vai trò của các cấp Hội LHPN Việt Nam trong việc giữ gìn và đảm bảo TTATGT. Sau hơn 10 năm thực hiện, đã có 43/63 tỉnh, thành xây dựng được 53 mô hình điểm về ATGT như mô hình "Gia đình không có người thân vi phạm luật giao thông", "Gia đình phụ nữ không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh", "Phụ nữ tích cực đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông"... Cũng theo thống kê, tỷ lệ các vụ TNGT có liên quan trực tiếp tới phụ nữ trong 10 năm qua chỉ chiếm trung bình khoảng 15%. Đây thực sự là những hoạt động rất có ý nghĩa của Hội LHPN Việt Nam trong việc góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Văn hóa giao thông (VHGT) là kết quả và là một chiều cạnh của văn hóa gia đình. Xây dựng và thực hành VHGT trước hết phải chú trọng đến việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa gia đình. Chính vì vậy, việc đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT phải bắt đầu và trước hết từ gia đình. Tiếp cận theo hướng này không phải là vấn đề mới nhưng sẽ mang lại hiệu ứng thiết thân đối với mỗi gia đình, đem lại hiệu quả cao trên phạm vi cộng đồng và xã hội, đặc biệt là trong nhịp sống hối hả hiện nay, khi không ít giá trị gia đình đang dần bị mai một. Việc ai ai cũng vội vã khiến ngay cả trẻ em trong các gia đình cũng dần chịu ảnh hưởng từ thói quen "ít chờ đợi" và "thiếu bình tĩnh" của người lớn. Thói quen sinh hoạt như vậy đã tạo nên thái độ, tích cách tùy tiện, thiếu ổn định cần thiết khi tham gia giao thông. Có một sự thật về giao thông hiện nay là tâm lý tùy tiện, "mạnh ai nấy đi". Người điều khiển phương tiện cố gắng chen lấn, len lỏi để có thể di chuyển càng nhanh càng tốt, thậm chí khi lòng đường chật chội, họ sẵn sàng phóng lên cả vỉa hè. Nhường đường và chấp hành tín hiệu đèn giao thông dường như là một điều quá xa xỉ! Đó có thể là hệ quả của việc giáo dục đạo đức trong gia đình nói chung, giáo dục về đức tính nhường nhịn trong ứng xử gia đình bấy lâu nay không được quan tâm đúng mức, không được thực hiện thường xuyên. Nâng cao vai trò của người phụ nữ Đặc điểm của giáo dục trong gia đình là xây dựng thói quen, tính tự giác cho mỗi thành viên, trong đó người phụ nữ với vai trò người mẹ, người vợ, người chị, người em giữ vai trò hết sức quan trọng. Việc cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu thực hiện và động viên chồng, giáo dục con cùng người thân trong gia đình thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trật tự ATGT từ việc đội mũ bảo hiểm đến việc nhường nhịn và tự giác chấp hành luật giao thông sẽ góp phần tạo dựng thói quen tốt khi tham gia giao thông. Bên cạnh các biện pháp mang tính tình thế, ứng phó cần có những cách làm mang tính chiến lược lâu dài, bền vững. Đó chính là trang bị cho tầng lớp thanh thiếu niên nhận thức, hiểu biết về ATGT. Và hơn ai hết, người mẹ có thể làm việc đó tốt nhất. Trong khoảng thời gian từ sinh thành tới vị thành niên, trẻ tiếp thu thế giới khách quan, nhận thức và các lý luận cơ bản của cuộc sống được người mẹ trang bị thông qua những câu chuyện cuộc sống. Người phụ nữ có thể lồng ghép các câu chuyện giao thông trong các sinh hoạt hằng ngày như kể các câu chuyện vui, các hiện tượng và hậu quả vi phạm giao thông, cách ứng xử khi va chạm giao thông… Cách giáo dục tại gia đình gần gũi này chắc chắn sẽ mang tới hiệu quả tích cực về mặt thông tin, nâng cao nhận thức của lớp trẻ đối với vấn đề ATGT. Để nâng cao vai trò của người phụ nữ trong công tác đảm bảo ATGT, Hội LHPN các cấp cần phối hợp với các đơn vị liên quan, trang bị cho phụ nữ các kiến thức cần thiết về VHGT để họ trực tiếp hoặc gián tiếp truyền đạt lại cho con cháu một cách trực quan, sinh động. Hỗ trợ kinh phí để thành lập và duy trì các mô hình CLB Phụ nữ với ATGT, tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội thi về trật tự ATGT, VHGT … tại địa phương. Tăng cường tuyên truyền cổ động thông qua các đợt truyền thông cao điểm tới tận các gia đình,… Cùng với việc xây dựng các mô hình "Phụ nữ với ATGT", "Phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn", tổ chức các cuộc thi "Phụ nữ với VHGT"…, việc quan tâm tới chức năng và nội dung của giáo dục ATGT, cũng như vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng và giữ gìn nếp nhà trong mỗi gia đình sẽ có ảnh hưởng tích cực đến VHGT của mỗi cá nhân, tiến tới giảm thiểu ùn tắc và thiệt hại do TNGT gây ra.
"Người ta thường nói: Phụ nữ luôn nhớ những điều đàn ông hay quên. Chính vì vậy, chị em hội viên cần hiểu và phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình trong việc nhắc nhở người thân trong gia đình đội mũ bảo hiểm nghiêm chỉnh; không phóng nhanh vượt ẩu; không uống rượu bia và chấp hành tốt luật khi tham gia giao thông. Những hành động nhỏ như vậy không chỉ có ý nghĩa gắn kết mối quan hệ gia đình mà còn góp phần tích cực vào việc đảm bảo trật tự ATGT nói chung". - Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam |