Một CSGT quản lý gần 57km đường bộ Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có khoảng 570.448km đường bộ, trong đó đường GTNT chiếm 86,4% (tương đương 492.892km). Tuy nhiên, lực lượng CSGT trực tiếp làm công tác tuần tra, kiểm soát của cả nước chỉ có hơn 10.000 đồng chí và nếu làm một phép tính đơn giản, một chiến sĩ CSGT phải chịu trách nhiệm quản lý khoảng... 57km từ đường cao tốc, QL, đô thị, tỉnh lộ đến đường GTNT. Và trong điều kiện hạ tầng, ý thức của người tham gia giao thông tại khu vực nông thôn, nơi chiếm đến hơn 80% diện tích và gần 70% dân số của cả nước còn hạn chế thì đây là nhiệm vụ quá khó khăn.
Bên cạnh đó, tại nhiều nơi, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, năng lực lưu thông nâng cao, nhưng trật tự giao thông lại phức tạp. Bởi, nhiều con đường khi được cải tạo mở rộng, nâng cấp có quá nhiều ngõ ngách, đường ngang, đường nhánh, vật che khuất, thiếu hệ thống biển báo và thiết bị ATGT..., trong khi đó, phần lớn các phương tiện lưu thông ở khu vực nông thôn, miền núi từ xe máy, xe tải, xe khách đều là những phương tiện đã cũ không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Đó là chưa kể đến ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT của người dân khu vực này còn kém... Và những nguyên nhân này khi được cộng dồn, tình trạng mất ATGT ở khu vực nông thôn đã được đẩy lên “một tầm cao mới”. Điều này lý giải tại sao TNGT ở khu vực nông thôn dù chỉ chiếm 11% tổng số vụ tai nạn đường bộ (số liệu năm 2014) nhưng tỷ lệ số người chết/vụ tương đối cao (0,49), cao hơn cả nước (0,42). Chưa được quan tâm đúng mức Đề cập đến vấn đề này, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục CSGT (Bộ Công an) Lê Quang Hòa thừa nhận, hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường liên xã, liên thôn của 9.595 xã, thị trấn trên cả nước là vấn đề vẫn còn bị bỏ ngỏ dẫn đến vi phạm trật tự và TNGT diễn ra phức tạp. Để khắc phục tình trạng này cần phải huy động các lực lượng cảnh sát khác và đặc biệt là lực lượng công an xã tham gia tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý vi phạm trật tự ATGT. “Theo thống kê, hiện quân số của lực lượng công an xã là trên 113.000 người, đông gấp 12,5 lần lực lượng CSGT chính quy, nếu lực lượng này được trang bị những kỹ năng cần thiết thì đây sẽ trở thành lực lượng quan trọng trong việc đảm bảo trật tự ATGT tại các khu vực nông thôn” - ông Hòa cho biết. Trong khi đó, theo Ths Lê Văn Đạt - Trung tâm Phân tích Cơ sở dữ liệu ATGT - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, tăng cường tuần tra kiểm soát chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT, thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, tuân thủ tốc độ quy định, giảm tốc độ quan sát an toàn khi đi từ đường phụ ra đường chính; đã uống rượu bia thì không lái xe. Ngoài ra, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần chú trọng việc lắp đặt biển báo và các thiết bị bảo đảm ATGT, tránh tình trạng làm đường “quên” biển báo, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính... Từ những phân tích trên có thể khẳng định, có nhiều nguyên nhân khiến TNGT trên các tuyến đường liên thôn, liên xã luôn trở thành một vấn đề nóng. Tuy nhiên, suy cho cùng, để xảy ra tình trạng trên chỉ có một nguyên nhân duy nhất, đó là ý thức (ý thức của người dân, của nhà quản lý) trên các lĩnh vực có liên quan chưa cao. Vì vậy, để giảm TNGT một cách bền vững không còn cách nào khác là cơ quan quản lý cùng người dân phải chung tay vào cuộc. Bởi tại các TP lớn, các địa phương tích cực triển khai những biện pháp mạnh, TNGT đã được đẩy lùi. Minh chứng rõ nhất là cách làm của tỉnh Thái Nguyên. Nếu như năm 2010, Thái Nguyên là một trong 10 tỉnh có TNGT tăng cao và bị Thủ tướng Chính phủ phê bình. Với quyết tâm kéo giảm TNGT trên địa bàn, từ năm 2011 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến việc xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm. Giao trách nhiệm cho từng địa phương nếu để TNGT tăng sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Nhờ các biện pháp mạnh này mà đến năm 2014, tỉnh Thái Nguyên đã vượt lên vị trí 8 tỉnh có TNGT giảm trên 20%, được Chính phủ biểu dương và tặng Bằng khen. Số người chết do TNGT năm 2014 đã giảm 55,05% so với năm 2010.
Đường giao thông liên xã qua huyện Ứng Hòa. Ảnh: Quỳnh Linh |