Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo ATGT đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị” do báo Hànộimới tổ chức ngày 31/3.
Tai nạn rình rập
Theo ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù Luật Xây dựng đã có quy định trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong công tác đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng. Thế nhưng, liên tiếp những vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua đã cho thấy việc kiểm tra đánh giá về an toàn thi công tại công trường còn không ít vấn đề phải bàn.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Trình Vũ
|
Đồng quan điểm về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng – Phó Trưởng phòng CSGT, Công an TP chia sẻ, bản thân được các sở, ngành TP cử làm Trưởng đoàn kiểm tra giám sát các công trình trong quá trình thi công. Tuy nhiên, để tiếp cận, kiểm tra việc chấp hành những quy định về đảm bảo an toàn ở các gói thầu tuyến Cát Linh - Hà Đông gặp rất nhiều khó khăn do có yếu tố người nước ngoài. Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt lỗi sơ đẳng trong công tác đảm bảo an toàn của đơn vị thi công như, các máy hàn lớn để ngoài mưa không che chắn, khi gặp mưa người đi bên ngoài sẽ đứng trước nguy cơ bị điện giật. Ngoài ra, hệ thống hàng rào cũng được ghép nối vô cùng cẩu thả, một số chỗ được ghép nối bằng… dây thừng, hệ thống dây điện trong công trường loằng ngoằng, nhà thầu tập kết sắt thép sát với tường rào… và như vậy, chỉ cần sơ xảy một chút tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cần phương án thi công tối ưu
Tại buổi tọa đàm, đề cập đến những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông (UTGT) tại những khu vực thi công tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đề nghị các đơn vị có liên quan cần đưa ra phương án tối ưu nhất khi thi công, tổ chức phân làn, cảnh báo giao thông một cách hiệu quả. “Từ trên tuyến đường Vành đai 3 chúng tôi quan sát thấy, có khu vực không hề thi công vào ban ngày nhưng vẫn quây rào chắn khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị nhà thầu tại những thời điểm không thi công cần thu gọn rào chắn để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân” – ông Thái nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Phụng - Chủ tịch UBND quận Hà Đông đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ của dự án đề đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường trên tuyến đường mà dự án đi qua. Cụ thể, ông Phụng đề nghị, các bộ, ban, ngành có ý kiến với chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thi công phải lưu ý vấn đề giải quyết tình trạng ngập úng, thoát nước tại các công trình, đặc biệt là khu vực Ba La.
Theo đánh giá của Sở GTVT, trong thời gian gần đây, công tác đảm bảo an toàn tại những khu vực triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đặc biệt là tuyến Cát Linh – Hà Đông đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, như đã nói, dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang trong giai đoạn chạy đua với thời gian để về đích theo đúng kế hoạch. Điều này đồng nghĩa với việc lượng máy móc, cường độ làm việc tại các công trường sẽ tăng lên… và kéo theo những nguy cơ mất ATGT. Do đó, để tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" tiếp tục xảy ra tại dự án này, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng sẽ còn nhiều việc phải làm. Trong đó, một trong những việc cần phải làm ngay là thay đổi cung cách, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của Nhà thầu, Tổng thầu của dự án.
Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ khi khởi công đến nay, trên các tuyến đường sắt đô thị đã xảy ra 9 vụ tai nạn. Trong đó, riêng tại dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông xảy ra 6 vụ. |