Điều đó cho thấy, hành trình chuyển lửa từ các cơ quan T.Ư, Chính phủ, các bộ, ngành tới các địa phương đã mang lại kết quả tích cực, tiếp tục khơi dậy niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh.
Báo cáo PCI năm qua cho thấy, nhiều cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Không còn dừng lại ở việc hô hào quyết tâm mà các địa phương đã quyết liệt vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, chủ động những quyết sách phù hợp với thực tiễn, đưa kinh nghiệm tốt của những địa phương dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương mình. Điều đó thể hiện rõ khi số đợt thanh, kiểm tra tại các DN đã giảm hẳn, chi phí không chính thức cũng giảm trong khi niềm tin vào tương lai kinh doanh của giới DN dân doanh gia tăng đáng kể. Có đến 52% DN dân doanh, 60% DN đầu tư nước ngoài sẽ mở rộng quy mô hoạt động trong 2 năm tới. Đây thực sự là những con số biết nói về những nỗ lực trong thời gian qua.Tác động cải cách đã tạo sức lan tỏa lớn. Điều rất đáng ghi nhận trong năm qua đó là 5 TP trực thuộc T.Ư, các đầu tàu kinh tế của cả nước: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành, và lần đầu tiên góp mặt đầy đủ trong top 15 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất.
Đây cũng là năm thứ hạng của Hà Nội tiếp tục được nâng lên (năm 2016 Hà Nội xếp thứ 14 và năm 2017 Hà Nội lên thứ 13). Nó không chỉ cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong nỗ lực cải cách để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng nhất cho DN mà còn cho thấy những giải pháp mà Hà Nội triển khai như đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện cải cách hành chính trên tinh thần vì DN, lắng nghe, đồng hành cùng DN, thực hiện 5 rõ trong quản lý, chỉ đạo, điều hành… là hướng đi đúng và bước đầu mang lại những kết quả tích cực.Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhìn vào số liệu báo cáo PCI có thể nhận rõ những hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục như tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho DN còn nhiều hạn chế, tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức không thực sự có những chuyển biến lớn. Việc tiếp cận đất đai và những rủi ro trong bảo đảm quyền sử dụng đất vẫn là những thách thức của nhiều DN.
Bên cạnh đó, dù số lượng DN thành lập mới gia tăng, nhưng khu DN tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động, năng suất lao động và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế vẫn là những điểm yếu của DN trong nước, trong khi xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào những DN có vốn đầu tư nước ngoài…Những hạn chế này cho thấy trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, các bộ, ngành, địa phương rất cần tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hướng tới DN giúp tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Những nỗ lực đó luôn có sự đồng hành và ghi nhận từ cộng đồng DN.