Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Ảnh] Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2020 khai mạc tại Hà Nội

Đỗ Hương - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2020 (VITM) kéo dài đến ngày 21/11/2020 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội.

Hội chợ VITM 2020 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức đưa ra sáng kiến về quản lý, kinh doanh và hoạt động du lịch gắn kết với thực hiện chuyển đổi số để du lịch Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong các năm tới.

 Hội chợ năm nay thu hút sự tham gia của các đại diện du lịch từ 47 tỉnh, thành trong cả nước, từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ (Thái Lan, Peru, Nhật Bản, Hàn Quốc, Colombia, Đài Loan).
Tại hội chợ, có 250 gian hàng với hơn 300 doanh nghiệp tham gia giới thiệu điểm đến, các sản phẩm du lịch và dịch vụ của các quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp du lịch, đồng thời là nơi tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác. 
 Đặc biệt, người tiêu dùng có cơ hội giành được trên 100.000 tour kích cầu, 100.000 vé máy bay giá rẻ, trên 1.000 quà tặng từ các doanh nghiệp du lịch và hàng không.
 Ngoài ra, tại hội chợ, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và một số Hiệp hội Du lịch khác tổ chức sự kiện ''Liên kết - sức mạnh du lịch Việt Nam'' ngày 19/11/2020, tại Trung tâm Hội nghị Công Đoàn, số 1A Yết Kiêu, Hà Nội.
 Trong khuôn khổ sự kiện, ngày 20/11 sẽ diễn ra hội thảo để thảo luận để hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng đầu bếp du lịch. Việt Nam hiện có hơn 50.000 đầu bếp phục vụ trong ngành du lịch. Việc xếp hạng nghề đầu bếp và các ngành nghề khác sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa đội ngũ phục vụ du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiệp hội Đầu bếp sẽ tổ chức tập huấn, xếp hạng để công nhận các nghệ nhân ẩm thực phục vụ du lịch, nhằm giúp ẩm thực Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực.
 Trong bối cảnh Covid-19, du lịch tiếp xúc trực tiếp, du lịch chạm là không tồn tại nên các doanh nghiệp cần dùng phương thức trực tuyến và thông qua các hoạt động từ xa doanh nghiệp du lịch có thể triển khai các hoạt động kinh doanh của mình.
 ''Sự kiện đánh dấu bước ngoặt của ngành du lịch chính vì mọi chủ đề, sự kiện trong hội chợ này đều hướng đến chuyển đổi số'', ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết. Hội chợ lần này chính là sự mở đầu cho phong trào chuyển đổi số để phát triển du lịch.Du lịch trực tuyến chỉ là khâu cuối cùng của chuyển đổi số và để có thể làm được việc này, các doanh nghiệp trong nước cần xây dựng sản phẩm, tiếp cận khách hàng và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch. Chuyển đổi số cần đáp ứng tất cả các yêu cầu này và nhu cầu cuối cùng chính là bán hàng. Vì thế, qua sự kiện lần này, du lịch có thể có cách tiếp cận mới nhìn rõ hơn con đường phát triển của du lịch trong tương lai, theo ông Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam.
Hội chợ cũng giới thiệu nhiều đặc sản vùng miền cả nước và du khách có cơ hội trải nghiệm và thưởng thức các đặc sản ngay tại các gian hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn giới thiệu những dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới.  
 Từ năm 2016 đến năm 2019, trung bình mỗi năm, Hội chợ thu hút khoảng 60 nghìn đến 80 nghìn lượt khách tham quan, khoảng 500 gian hàng với 700 đơn vị của hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Số lượng tour và sản phẩm du lịch bán tại hội chợ tăng mạnh qua mỗi năm, mang về doanh thu trực tiếp tăng từ 202 tỷ đồng (năm 2016) lên 350 tỷ đồng (2019).