Đường Hoàng Sa bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Võ Văn Kiệt, tại khu vực đối diện Khu Công nghiệp Thăng Long đến ngã tư chân cầu vượt đường Nhật Tân – Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp). Lộ trình dài 4,8km với chiều rộng 68m. Đường Hoàng Sa được khánh thành vào năm 2015, có làn đường dành cho xe máy, xe đạp và vỉa hè rộng 7m. Dải phân cách rộng hơn 10m được trang trí vườn hoa, cây xanh…
Trong khi đó, đường Trường Sa bắt đầu từ ngã tư cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp đến chân cầu Đông Trù, có chiều dài khoảng 7,3km và chiều rộng 68m. Tuyến đường cũng được phân làn và bố trí các hạng mục cây xanh, chiếu sáng tương tự như đường Hoàng Sa.
Do được thiết kế theo chuẩn đô thị cấp I nên hai bên đường không có rào che chắn như đối với cao tốc. Tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa được phép di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 80km/h. Toàn tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa có 10 hầm đi bộ dân sinh phục vụ người đi bộ, xe đạp. Cụ thể, trên đường Hoàng Sa có 5 hầm đi bộ ký hiệu từ HS1 đến HS5. Trên đường Trường Sa có 5 hầm chui ký hiệu từ HS6 đến HS10.
Do hạ tầng dân cư, sự phát triển các loại hình thương mại – dịch vụ, công nghiệp ven tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa chưa phát triển, nên các hầm chui dân sinh rất thưa vắng người sử dụng.
Theo khảo sát một ngày đầu tháng 7/2019, có tới 4/5 hầm đi bộ trên đường Trường Sa hiện đang “cửa đóng then cài”. Trong khi đó, các hầm đi bộ trên đường Hoàng Sa được mở cả ngày, nhưng rất hiếm người qua lại.
Điều đáng nói, rất nhiều hầm chui đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cụ thể, có 4/10 hầm đi bộ bị các đối tượng xấu làm vỡ kính bảo vệ, viết - vẽ bậy lên tường, kính… Khu vực một số hầm chui trở thành nơi vứt, đổ rác thải của một số người dân thiếu ý thức.
Dù có công năng hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người đi bộ, nhưng một số hầm đi bộ dân sinh lại trở thành nơi nghỉ trưa của một bộ phận người lao động vào những ngày mưa to gió lớn, hoặc nắng nóng gay gắt. Thậm chí, có người còn mang cả bàn uống nước xuống đặt dưới hầm chui để tiện... trà nước, đàm đạo. Không chỉ vậy, tại một số hầm chui trên đường Hoàng Sa, dù là ban ngày, tuy nhiên, đèn điện chiếu sáng trong hầm vẫn được bật, gây lãng phí lớn nguồn điện năng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc các hầm đi bộ bị xâm hại bên cạnh ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt, vai trò quản lý của các cấp chính quyền cũng cần được nâng cao hơn nữa, nhằm tránh tình trạng hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng hạ tầng, gây lãng phí trên con đường ngàn tỷ.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận được về hiện trạng nhếch nhác, lãng phí hầm đi bộ trên đường Hoàng Sa - Trường Sa:
Khu vực hầm đi bộ trở thành nơi đổ rác của một bộ phận người dân thiếu ý thức |
Cửa kính hầm đi bộ bị kẻ xấu phá hoại |
Tình trạng viết, vẽ bậy tràn lan tại các cửa hầm |
Bàn ghế được đặt dưới hầm đi bộ để tiện... trà nước, đàm đạo |
Một số hầm đi bộ trở thành nơi trú tránh, nghỉ ngơi của người lao động tự do vào những ngày mưa gió, nắng nóng gay gắt |
Giữa ban ngày nhưng hệ thống chiếu sáng tại một số hầm chui vẫn được bật gây lãng phí lớn
|