Những ngày này, người trồng quế ở huyện Trà Bồng và Tây Trà hối hả thu hoạch, sơ chế quế mang bán cho thương lái. |
Bà Hồ Thị Lành (xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà) phấn khởi: Riêng thu hoạch tại vườn quế của gia đình đã bán được 25 triệu đồng. Ngoài ra, tôi thu gom cành, lá quế bán cho thương lái được hơn 4 tấn, kiếm thêm hơn 12 triệu đồng. |
Tại xã Trà Thủy (huyện Trà Bồng), người trồng quế cũng đang rất phấn khởi vì quế được mùa, được giá. ''Đây là xã có diện tích trồng quế khá lớn với khoảng 225ha, mật độ 5.000 cây/ha, sản lượng đạt 50 tấn quế/ha, là cây trồng chủ lực trong giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương'' ông Hồ Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy chia sẻ. |
Để khai thác quế, người dân thường dùng dao để rạch vỏ và có một cái móc để tách ra khỏi thân cây quế. Có thể bán vỏ quế tươi hoặc phơi khô rồi mới đem bán. |
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2018 đến nay, giá quế liên tục tăng, bình quân mỗi năm 10.000 đồng/kg. Hiện giá quế tươi 25.000 đồng/kg, quế khô 55.000 đồng/kg, lá quế khô 4.000 đồng/kg. Nhiều hộ đã có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây nguyên liệu này. |
Mùa tiền quế bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 Âm lịch và mùa hậu quế từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch. Tốt nhất là bóc vỏ quế từ tháng 3, 4 và tháng 8,9 hằng năm. Trong mùa này, thì đi đến đâu cũng nghe thoảng mùi thơm quế. |
Huyện vùng cao Trà Bồng và Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) nổi tiếng là vùng đất quế. Đồng bào dân tộc Cor nơi đây xem cây quế là loại đặc sản, là cây thoát nghèo.Theo thống kê, 2 huyện này có hơn 7.000ha quế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng. |
Nhờ chứa hàm lượng tinh dầu cao, cây quế được trồng ở các huyện miền núi Quảng Ngãi được đánh giá là nguồn hương liệu, dược liệu quý. Có thể làm gia vị các món ăn; khử mùi tanh của thịt, cá; kích thích vị giác. Tinh dầu quế giúp thư giãn tinh thần. Vỏ quế sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh hô hấp, tăng tuần hoàn máu. Nhờ hương thơm dễ chịu, gỗ quế còn chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ như khay, ấm, chén, hộp đựng tăm, nhang... |