- Những ngày vừa qua, hàng trăm chuyến bay từ các nước trên thế giới đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài, đó là những chuyến bay chở những hành khách Việt Nam từ vùng dịch về nước và cả những chuyến cho du khách nước ngoài quá cảnh (khi Việt Nam chưa cấm thị thực).
- Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biết phức tạp, người Việt sinh sống và làm ăn tại các nước đều có những lựa chọn cho riêng mình, trong đó việc về nước là sự lựa chọn an toàn nhất. Bởi Việt Nam đang là nước có sự đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh tốt hàng đầu thế giới trong thời gian qua.
- Gia đình chị T.L.H. (Hà Nội) định cư ở Singapore, đất nước này số ca mắc Covid-19 đang gia tăng từng ngày, đến sáng 18/3 đã ghi nhận 266 ca mắc. Chị H. mới sinh con (sinh đôi) được 6 tháng, vì nhiều lý do, sáng 17/3, chị đã đáp máy bay đưa cả gia đình Việt Nam. Về đến sân bay, chị thở phào nhẹ nhõm, như thoát khỏi vùng dịch về nơi an toàn.
- Được biết, mỗi ngày, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nói riêng và các cửa khẩu quốc tế khác có hàng chục chuyến bay trở về từ vùng có dịch. Hiện, khâu kiểm dịch y tế đang được thắt chặt, chặn nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.
- Để có sự chuẩn bị an toàn nhất cho những hành khách về nước, nhân viên y tế đã phải túc trực 24/24 tại sân bay Nội Bài. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, anh Đặng Đình Huân - cán bộ khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa chốt lại danh sách số người xét nghiệm, số người phải cách ly của chuyến bay thì loa thông báo Chuyến bay BR 379 từ Đài Loan về sắp hạ cánh. Tất cả lại sẵn sàng vào việc, từ kiểm soát bước một ngay khi xuống sân bay là kiểm tra tờ khai y tế.
- Được biết, từ ngày 15/3, Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đối với những hành khách đi về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Anh và các nước châu Âu. Bắt đầu lúc 0 giờ ngày 18/3, ngoài những nước trên thì các trường hợp đến từ Mỹ và ASEAN đều phải xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và cách ly y tế.
- Như anh Huân chia sẻ, từ 7 giờ ngày 16/3 đến 7 giờ ngày 17/3, ca trực đã lấy 587 mẫu xét nghiệm Covid-19. Mọi quy trình đều thực hiện rất nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh nhưng được bố trí khoa học, hợp lý, tạo thuận tiện kho hành khách.
- Đối với các nhân viên y tế, cán bộ khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, họ phải luôn đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như có những thông tin chính xác về kết quả khi lấy mẫu, vì thế họ luôn phải căng mình trực dịch, mọi thứ phải kiểm tra, ghi chép cẩn thận. Dù hành khách rất đông, mỗi ngày xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm, nhưng không cho phép nhầm lẫn.
- Thậm chí, nhiều bữa không kịp ăn trưa, ăn tối, trực xuyên đêm vì hành khách nhập cảnh quá nhiều. Trong ảnh: Những nhân viên y tế này hết ca trực lúc gần 2 giờ chiều, họ vẫn chưa được ăn trưa, đành ăn tạm miếng bánh, hộp sữa được đồng nghiệp tiếp tế.
- Nhân viên y tế, cán bộ khoa Kiểm dịch y tế quốc tế luôn vệ sinh và sát khuẩn khu vực tiếp nhận bệnh nhân vào lấy mẫu xét nghiệm.
- Bên cạnh đó, họ luôn phải có mặt để hướng dẫn các hành khách từ việc khai báo thông tin đến quy trình lấy mẫu.
- Hành khách khai báo các thông tin y tế trước khi vào lấy mẫu xét nghiệm.
- Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị (bên phải, ngoài cùng) tác nghiệp tại sân bay Nội Bài.
- Chia sẻ với phóng viên, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, số lượng người từ châu Âu hoặc những vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam tăng đột biến trong những ngày qua. Khối lượng công việc lớn, áp lực cao, ngành Y tế Hà Nội đã huy động tối đa lực lượng ứng trực tại sân bay.
- ''Lúc đầu, do số lượng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam được yêu cầu lấy mẫu còn ít nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã cử 5 đội phản ứng nhanh chia làm 2 kíp thường trực lấy mẫu (1 kíp trực ban ngày từ 7 giờ đến 19 giờ và 1 kíp trực ban đêm từ 19 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau). Tuy nhiên, do số lượng hành khách nhập cảnh tăng cao, Trung tâm đã huy động tất cả các đội phản ứng nhanh của 30 TTYT quận, huyện tham gia hỗ trợ” - ông Tuấn nói.
- Trong một ngày nhân viên y tế, cán bộ khoa Kiểm dịch y tế quốc tế sẽ được chia làm ca khác nhau, thường sé kéo dài 6 đến 7 tiếng đồng hồ. Khi làm nhiệm vụ, họ sẽ được trang bị đồng dùng bảo hộ và kết thúc công việc sẽ được khử trùng toàn thân.
- Một nhân viên y tế được khử khuẩn sau khi kết thúc ca làm việc.
- Sau khi khử trùng, họ sẽ cởi bỏ bộ đồ bảo hộ mặc trong suốt ca trực. Cũng theo ông Khổng Minh Tuấn, toàn bộ khu vực ở sân bay đã được phun khử khuẩn, vệ sinh và lau chùi tất cả các bề mặt tiếp xúc để phòng dịch. Các hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang, xịt tay bằng dung dịch sát khuẩn và phải tuân thủ đúng theo quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Rác thải sau khi sử dụng cũng được nhân viên y tế khử trùng.
- Số ca mắc Covid-19 trên thế giới cũng như Việt Nam ngày càng tăng, cuộc chiến chống dịch chưa biết đến bao giờ mới dừng lại. Sự vất vả, hy sinh chống dịch của những chiến sĩ áo trắng nơi cửa ngõ Thủ đô vẫn còn tiếp diễn.
- Sẽ là những đêm dài không ngủ, sẽ là những áp lực vô cùng lớn cùng nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng họ không lùi bước, ''phải chiến thắng được dịch bệnh, chúng tôi mới thở phào''.
- Tuy nhiên, trước việc lượng hành khách về nước quá đông và để giải tỏa nhanh, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh ở khu vực nhập cảnh, tối muộn đêm qua (18/3), tại Trung tâm Khẩn nguy Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, Trung tướng Phùng Sỹ Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng đã diễn ra cuộc họp giữa các lực lượng: Công an cửa khẩu, kiểm dịch quốc tế, hải quan và quân đội tiếp nhận người cách ly. Các bên đã thảo luận, đưa ra các phương án và thống nhất không buộc những người phải cách ly tập trung khai báo y tế và lẫy mẫu xét nghiệm tại sân bay mà thực hiện 2 việc này tại nơi cách ly.
- Trong sáng nay (19/3), các lực lượng tại sân bay sẽ tiến hành thực hiện quy trình nhập cảnh theo cách mới, sau đó sẽ thảo luận rút kinh nghiệm, điều chỉnh để đẩy quy trình nhanh hơn.