Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Anh - Trung tìm cách xác lập “kỷ nguyên vàng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm Vương quốc Anh 4 ngày (19 -...

Kinhtedothi - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm Vương quốc Anh 4 ngày (19 - 23/10), với hy vọng mở ra “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế, khi London đang muốn củng cố vị thế tại châu Á, còn Bắc Kinh mong muốn tìm nguồn lực đầu tư giúp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc trong một thập kỷ diễn ra chỉ một tháng sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thăm Trung Quốc. Dự kiến, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình sẽ bao gồm một cuộc họp thượng đỉnh bàn về vai trò của London trong các kế hoạch tài chính. Động thái thắt chặt quan hệ kinh tế giữa hai nước này cho thấy, hai quốc gia đều thấy được lợi ích của mình trong việc phát triển hợp tác song phương.
Hoàng tử Anh William và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 	Ảnh: Getty Images
Hoàng tử Anh William và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images
Trả lời báo giới trước chuyến thăm, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc kỳ vọng chuyến thăm lần này sẽ đánh dấu bước phát triển hơn nữa trong quan hệ song phương Trung Quốc - Anh, cũng như cho phép hai nước cùng tham gia "kỷ nguyên vàng" của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Điều này vô cùng dễ hiểu khi chuyến đi diễn ra vào thời điểm toàn cầu đang dấy lên sự lo lắng về tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đã nhận được một loạt tín hiệu khẩn về đà giảm tốc. Gần đây nhất, số liệu công bố ngày 19/10 cho thấy, GDP quý III/2015 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đạt 6,9% - mức thấp nhất trong 6 năm qua. Các dự báo cũng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn còn khá ảm đạm. Nhà kinh tế Alastair Chan của Công ty phân tích Moody’s Analytics nhận định, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc khi lĩnh vực công nghiệp nặng dư thừa công suất kết hợp với nợ xấu gia tăng, môi trường xuất khẩu yếu là những yếu tố đang siết chặt hoạt động đầu tư và sản xuất của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đã có các biện pháp kích cầu nhưng đến nay vẫn chưa tạo ra được khác biệt đáng kể. Do vậy, việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với Vương quốc Anh được hy vọng sẽ là một yếu tố thúc đẩy nền kinh tế đang sụt giảm của Trung Quốc.

Về phía Anh, các nhà lãnh đạo của xứ sở sương mù cũng muốn tăng cường mối quan hệ đầu tư với Trung Quốc, như là một động thái gia tăng ảnh hưởng của mình tại châu Âu, trở thành một đối trọng với Đức, quốc gia vẫn được coi là quyền lực lớn nhất. Hồi đầu năm nay, Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu, thu hút sự tham gia của nhiều nước khác. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm lần này là hai bên sẽ ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại hạt Somerset, miền Tây Nam nước Anh. Dự án nhà máy điện hạt nhân này có trị giá khoảng 26 tỷ USD, mở đường phát triển điện hạt nhân thế hệ mới đầu tiên của London trong vòng 20 năm qua.

Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước hứa hẹn sẽ phát triển sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, đồng thời được Bắc Kinh tận dụng như một cơ hội để thu hút sự quan tâm của giới truyền thông sau khi dư luận quốc tế đồng loạt lên tiếng phản đối hành động đơn phương gia tăng căng thẳng tại Biển Đông gần đây của Trung Quốc.