Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp dụng sai cách tính thâm niên công tác cho nhà giáo?

Chia sẻ Zalo

KTĐT -Việc áp dụng Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang gây nhiều tranh cãi cho những người liên quan.

Trong đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng và cơ quan thông tấn báo chí mới đây, bà Trần Thị Bích Hà trình bày thắc mắc về việc trường Chính trị tỉnh Hà Nam – nơi bà công tác - đã áp dụng văn bản pháp luật sai khi tính thâm niên công tác cho bà cũng như một số trường hợp khác.
 
Áp dụng sai cách tính thâm niên công tác cho nhà giáo? - Ảnh 1
Ông Bùi Văn Hưng – Phó Giám đốc trường chính trị tỉnh Hà Nam trao đổi với báo chí

Theo đơn bà Hà trình  bày: Bà về Trường Chính trị tỉnh Hà Nam công tác từ năm 1997. Đến tháng 3/1998 bà được xếp ngạch lương giáo viên liên tục cho đến nay. Điều đáng chú ý là trong quãng thời từ tháng 2/2000 đến tháng 5/2008 bà không trực tiếp tham gia công tác giảng dạy mà được phân công công tác tại các bộ phận khác của nhà trường như công tác thư viện, giáo vụ và đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp học. Trong suốt thời gian này, bà vẫn được hưởng ngạch lương của giáo viên.

Từ tháng 12/2011 đến tháng 5/2012, khi xem xét giải quyết chế độ chính sách thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và Thông tư liên tịch số Số: 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định trên, trường Chính trị tỉnh Hà Nam đã không ghi nhận quãng thời gian bà không trực tiếp tham gia giảng dạy để tính thâm niên cho bà.

Bà Hà đưa ra một số trường hợp trong Trường Chính trị tỉnh Hà Nam được tính thâm niên công tác để so sánh với trường hợp của mình. Bà nêu ra trường hợp của ông Nguyễn Văn San – Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh Hà Nam. Ông San về trường này công tác từ tháng 6/2007. Từ ngày về trường đến 4/2012 ông San vẫn mang mã ngạch Chuyên viên chính. Trên thực tế ông San có tham gia giảng dạy nhưng mãi đến tháng 5/2012, ngạch Chuyên viên chính của ông San mới được chuyển sang ngạch Giáo viên và thời gian ông San công tác tại trường vẫn được tính thâm niên công tác. Thêm vào đó là trường hợp của ông Trịnh Văn Hiệp – Phó trưởng phòng Đào tạo. Ông Hiệp về trường Chính trị tỉnh từ 4/2008. Trong suốt thời gian này, ông Hiệp không trực tiếp tham giảng dạy, nhưng vẫn được hưởng chế độ ưu đãi giảng viên đứng lớp 30%. Sau khi giảng 1 bài duy nhất ở khoa Xây dựng Đảng thì ông Hiệp được hưởng ưu đãi giảng viên lên 45% và cũng đến 5/2012 mới chuyển sang ngạch Giáo viên.

Giải đáp thắc mắc về trường hợp của bà Hà, Ban Tổ Chức Tỉnh Ủy tỉnh Hà Nam đã có công văn số 726-CV/BTCTU ngày 9/8/2012 trả lời: Trường Chính trị tỉnh Hà Nam đã thực hiện đúng chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo của bà Hà theo các quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, căn cứ theo  Điều 1 và khoản 1, khoản 2 của Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP, trường hợp của bà Hà vẫn thuộc đối tượng được hưởng chế độ thâm niên công tác đối với nhà giáo kể cả những năm bà Hà không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng vẫn công tác trong ngành giáo dục, thậm chí vẫn là chủ nhiệm lớp học và vẫn hưởng ngạch lương giáo viên.

Như vậy, trường hợp của bà Hà có thuộc diện được hưởng chế độ thâm niên công tác đối với nhà giáo? Trường Chính trị tỉnh Hà Nam đã áp dụng đúng văn bản pháp luật đối với đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo? Văn bản pháp luật đã có nhưng việc áp dụng còn gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề quan tâm của rất nhiều bạn đọc.

Về trường hợp của bà Hà, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ban lãnh đạo của trường Chính trị tỉnh Hà Nam - ông Bùi Văn Hưng – Phó Giám đốc trường đã trả lời rất vòng vo, chưa rõ vấn đề. Bên cạnh đó, trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Hà còn trình bày việc khuất tất trong thu chi tài chính tại trường. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề tài chính trong bài viết sau.