Cạnh tranh gay gắt
Tháng 5 ghi nhận sự gia tăng trở lại của XK gạo khi khối lượng và giá trị XK đều có chiều hướng nhích lên. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng XK gạo 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,3 triệu tấn, kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá gạo XK bình quân đạt 445 USD/tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu (NK) gạo của Việt Nam với 47,5% thị phần. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình hình XK gạo của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức.Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Dũng |
Theo bà Phạm Thị Kim Dung – Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), Thái Lan đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong phân khúc gạo chất lượng trung bình. Đáng nói, mỗi khi Thái Lan xả kho gạo dự trữ sẽ kéo theo gạo Việt Nam giảm giá rất mạnh. Hiện tại, Thái Lan còn 1,82 triệu tấn gạo tồn kho, sắp tới sẽ xả ra thị trường bởi nước này mục tiêu xả toàn bộ kho trong năm 2017. Điều này chắc chắn sẽ còn tác động tới giá gạo XK của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng lúa gạo XK của Việt Nam đang bị thắt lại ở hai đầu. Sản xuất lúa gạo cho XK được xác định là tương đối tập trung nhưng hoạt động chế biến lại phân tán với hơn 300.000 nhà máy, chủ yếu có quy mô nhỏ và chỉ tương đương với khoảng 1.000 nhà máy của Thái Lan. Chưa hết, ưu thế về XK gạo trắng của Việt Nam đã giảm sút dần qua từng năm do sự “trỗi dậy” của Ấn Độ. Trong khi đó, cạnh tranh về XK gạo chất lượng cao cũng rất khắc nghiệt khi nhiều nước đang dồn sức đầu tư cho phân khúc này. Chẳng hạn như Thái Lan tăng tiêu chuẩn gạo cao cấp, Ấn Độ tập trung vào kỹ thuật gạo basmati và nỗ lực tăng XK gạo hữu cơ…Sẽ còn nhiều chông gaiNói về triển vọng thị trường XK của gạo Việt Nam từ nay đến hết năm 2017, một số chuyên gia tỏ ra không mấy lạc quan bởi nhu cầu tiêu thụ gạo đang giảm. Tại thị trường châu Á, nhu cầu tiêu dùng gạo trên đầu người giảm nhanh nhất là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), tiếp đến là Trung Quốc, Malaysia. Trong khi đó, các nước NK lớn lại đang có những định hướng chính sách riêng như Trung Quốc đa dạng hóa nguồn gạo NK; các nước Philippines, Indonesia, Malaysia đang nỗ lực tự cung tự cấp, thậm chí Indonesia có tham vọng XK 10.000 tấn gạo trong năm 2017. Còn ở thị trường trong nước, chúng ta cũng phải NK một lượng gạo đáng kể từ Thái Lan, Campuchia.Theo ông Sergio Araujo - Ban Thương mại và Thị trường của FAO Rome, sự phục hồi mạnh mẽ ở Ấn Độ và Thái Lan đã giúp cho sản lượng lúa ở châu Á tăng 10,3 triệu tấn trong năm 2016 và xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong trung hạn. Thị trường châu Phi có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam mới XK được rất ít gạo sang khu vực này. Hơn nữa, thách thức của gạo Việt Nam là làm sao chuyển từ phân khúc cấp thấp sang xây dựng thương hiệu lúa gạo cấp cao, bởi hiện nay ở một số thị trường, người tiêu dùng chưa phân biệt được gạo Việt Nam. “Hiện, thị trường phân mảnh nhiều hơn, nhiều phân khúc hơn nên khi lập quy hoạch sản xuất phải tính đến yếu tố này” - ông Sergio Araujo chia sẻ.Thực tế, đối với nhiều thị trường, hình ảnh gạo Việt Nam XK vẫn là gạo phẩm cấp thấp. Do đó, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020, sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam đạt 20%. Theo các chuyên gia, để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, cần xác định lại cơ cấu thị trường, cơ cấu giống, mùa vụ. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo.Tín hiệu lạc quan cho XK gạo hiện nay đến từ thông tin Bangladesh vừa tuyên bố NK 600.000 tấn gạo, trong đó có nhắm tới nguồn cung từ Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 2/2017, Việt Nam và Philippines đã gia hạn thỏa thuận thương mại gạo 1,5 triệu tấn đến hết năm 2018. |