Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp lực kép khiến giá xăng dầu trượt về mức thấp nhất

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những thông tin tiêu cực đến cả ở cả phần cung và cầu tiếp tục kéo giá xăng dầu hôm nay đi xuống, trượt về mức thấp nhất 2 tuần gần đây.

Đến đầu giờ sáng ngày 2/9 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 67,67 USD/thùng, giảm 0,65 USD/thùng trong phiên.
Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 70,97 USD/thùng, giảm 0,62 USD/thùng trong phiên.
Ảnh minh họa.
Nhận định của giới chuyên gia, giá dầu ngày 2/9 có xu hướng giảm mạnh khi mà thị trường dầu thô liên tiếp đón nhận những thông tin tiêu cực ở cả 2 phía cung – cầu.
Về phía cầu, những lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu thô toàn cầu đang ngày một lớn hơn khi các dữ liệu được phát đi đều cho thấy 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại.
Tổ chức ADP ngày 1/9 đã phát đi thông báo, số việc làm được tạo ra tại Mỹ trong tháng 8/2021 là 374.000, thấp hơn rất nhiều con số dự báo 728.000 được dự báo trước đó.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ cũng xuống mức thấp nhất trong 6 tháng và dữ liệu về hoạt động sản xuất Mỹ xấu đi cũng được ghi nhận xấu đi. Theo Conference Board, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ tháng 8 là 113,8, thấp hơn nhiều mức 125,1 của tháng 7; trong khi đó, chỉ số của ngành sản xuất Chicago (Chicago PMI) giảm xuống mức 66,8 trong tháng 8 từ mức 73,4 của tháng 7.
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận sự “chậm lại” của nền kinh tế Trung Quốc do dịch Covid-19 tái bùng phát. Cụ thể, chỉ số nhà quản lý mua hàng phi sản xuất (PMI) không chính thức giảm xuống 47,5 điểm trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức 53,3 điểm của tháng 7. Chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng 8/2021 cũng giảm xuống mức 50,1 điểm (trong tháng 7/2021, chỉ số này là 50,4 điểm.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm 31/8 đã báo cáo một lượng lớn tồn kho dầu thô là 4,045 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/8, nâng tổng lượng dầu thô khai thác năm 2021 cho đến nay lên hơn 62 triệu thùng.
Trong tuần trước, API đã báo cáo lượng dầu tồn kho giảm xuống 1,622 triệu thùng, trong khi các nhà phân tích dự đoán mức giảm là 2,367 triệu thùng.
Về phía cung, khi mà các dữ liệu kinh tế cho thấy nhu cầu dầu thô có xu hướng yếu đi thì nguồn cung dầu thô từ OPEC lại được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của Reuters, nhóm OPEC đã khai thác 26,93 triệu thùng/ngày trong tháng 8, tăng 210.000 thùng/ngày so với sản lượng ước tính vào tháng 7.
Sự gia tăng sản lượng dầu của OPEC diễn ra sau khi nhóm OPEC+ đạt được thống nhất về việc họ sẽ bắt đầu mang 400.000 thùng/ngày trở lại thị trường vào mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 8 cho đến khi phục hồi tất cả mức cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày.
Hiện thị trường dầu thô đang chờ dữ liệu chính thức về thị trường việc làm Mỹ trong tháng 8 sẽ được Bộ Lao động nước này phát đi vào ngày 3/9 tới.