Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại Nam Trung Bộ, ít nhất 5 người chết do sập nhà

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 8) chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng đã gây mưa to đến rất to tại các tỉnh Nam Trung Bộ trong 2 ngày qua. Theo báo Khánh Hòa, đến sáng 18/11 đã có ít nhất 5 người chết do mưa lũ làm sập nhà tại tỉnh này.

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới
Các tỉnh Nam Trung Bộ mưa rất to
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào khoảng 10h sáng nay (18/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 8) ở cách Phan Rang (Ninh Thuận) 110km về phía Đông Đông Nam, cách La Gi (Bình Thuận) khoảng 220km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 22h ngày 18/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 - 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 10h ngày 19/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên đất liền các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong trưa và chiều nay (18/11) ở vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 - 4m; biển động mạnh. Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm.
Khu vực chợ Vĩnh Hải ngập trong biển nước. Ảnh: P.H

Trên thực tế, trong khoảng thời gian 8h - 11h sáng nay, một số nơi tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có mưa to đến rất to như: Cam Hải Tây: 157,4mm; Cam An Bắc: 129,4mm; Suối Cát: 127mm, Diên Điền: 120,8mm, Cam Phước Tây: 103,2mm, Ninh Lộc: 98,2mm, Khánh Đông: 94,8mm, Khánh Phú: 93,2mm, Sơn Hiệp: 63mm, Sông Cầu: 64,4mm, Khánh Thượng: 54,8mm (Khánh Hòa), Phước Đại: 50,8mm, Phước Bình: 44.4mm, Ma Nới: 32mm (Ninh Thuận). Nhận định các khu vực trên sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập lụt vùng trũng thấp và sạt lở ở vùng núi các huyện Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa (Khánh Hòa); Bắc Ái, Ninh Sơn (Ninh Thuận).
Hiện tại, mực nước trên các sông từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận đang lên. Trong 24 giờ tới, mực nước trên các sông tại khu vực này phổ biến lên mức BĐ1 - BĐ2, riêng trên sông Dinh, sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) khả năng lên BĐ2 và trên BĐ2.
Ít nhất 5 người chết do mưa lũ
Tại các địa phương, theo ghi nhận của PV báo Khánh Hòa: Do ảnh hưởng của bão số 8 và áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, mưa lớn từ ngày 17 kéo dài sang ngày 18/11 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị sạt lở và ngập sâu trong nước.
Các tuyến giao thông của TP Nha Trang sáng 18/11
Tại khu vực phía Bắc TP Nha Trang, nhiều tuyến đường ở các phường Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ... bị ngập nặng. Các tuyến bị ngập sâu nhất như đường 2/4, Nguyễn Xiển, Điện Biên Phủ, Củ Chi, Mai Xuân Thưởng... Nhiều gia đình phải gia cố nhà cửa, chèn bao tải cát để chống nước vào nhà. Tuy nhiên do nước quá lớn khiến một số gia đình ở khu vực trũng thấp bị ngập.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP Nha Trang đều bị ngập cục bộ trong sáng 18/11. Đặc biệt khu gian Nha Trang - Lương Sơn đang bị ngập nước một số đoạn tuyến trên đường sắt khiến cho tàu SE7 không thể vào ga Nha Trang. Hiện tại tàu SE7 đang nằm chờ tại ga Lương Sơn, sau khi nước rút bảo đảm an toàn mới cho tàu tiếp tục hành trình. Trong khi đại lộ Nguyễn Tất Thành (TP Nha Trang đi Sân bay Cam Ranh) bị tê liệt hoàn toàn. Các phương tiện tham gia giao thông không thể lưu thông được trên tuyến đường này.
Dẫn lời ông Nguyễn Đình Anh Minh - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ (TP Nha Trang), báo Khánh Hòa thông tin: Khoảng 7h sáng cùng ngày, đây là thời điểm mưa lớn nhất tại địa phương đã làm phía sau của căn nhà số 14 đường Tôn Thất Tùng bị nước làm đổ sập.
Sự việc khiến 2 người chết và 1 người bị thương. 2 người chết gồm: Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1974, quê quán tại Hà Nội) và cháu bé 7 tuổi là con của chị Huyền; người bị thương là anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1967).
Hiện trường vụ sập nhà tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng.
Cũng thông tin từ báo Khánh Hòa, lúc 8h sáng cùng ngày tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) đã xảy ra vụ sập nhà do mưa lũ. "Lực lượng cứu hộ cùng người dân đã đưa ra khỏi hiện trường ít nhất 5 nạn nhân do bị sập nhà. Trong số này, người dân cho biết đã có 3 người thiệt mạng, hiện còn nhiều người khác bị vùi lấp trong đống đổ nát", báo Khánh Hòa đưa tin.
Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sáng 18/11 phóng viên báo địa phương ghi nhận khu vực Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc) và Bãi Sau (TP Vũng Tàu) thời tiết nắng dịu, gió nhẹ, biển êm.
Trước nguy cơ áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng đến Bà Rịa - Vũng Tàu, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động thu gom dù, ghế, chằng chống cơ sở vật chất, tháo gỡ biển bảng quảng cáo và lên phương án bố trí nhân sự ứng trực để ứng phó.
Còn tại tỉnh Bình Thuận, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các ngành chức năng tỉnh này đã kêu gọi được hơn 5.600 tàu thuyền đang hoạt động vào các khu vực neo đậu an toàn.
Toàn tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là huyện đảo Phú Quý đã hoàn thành các phương án để ứng phó với thời tiết xấu trên biển.