Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu an ninh Stimson Center (Mỹ), Trung tâm Quản lý và Chính sách tiên tiến Đức (CPG), Diễn đàn Môi trường Mekong (MEF), Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) đồng tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “ASEAN trước ngã tư đường: Thúc đẩy sức mạnh tập thể để giải quyết các thách thức khu vực”.
Hội thảo tổ chức trực tuyến vào ngày 10 - 11/6/2021, từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 40 (giờ Việt Nam), bao gồm 4 phiên thảo luận trực tiếp, xoay quanh các chủ đề được quan tâm hiện nay: Covid-19 đã tạo ra thay đổi chiếc lược gì trên Biển Đông; Vấn đề Mekong quan trọng thế nào với ASEAN; Giải pháp ứng phó các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở Biển Đông và Tiểu vùng Mekong.
Sự kiện này quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu Đông Nam Á như GS Jean-Pierre Cabestan (Hong Kong Baptist University), Bill Hayton (Chatham House), GS Carl Thayer (University of New South Wales), Sourabh Gupta (Institute for China-America Studies), Brian Eyler (Southeast Asia Program Director, Stimson Center), James Borton (Co-founder of MEF), TS Stephen Nagy (International Christian University in Tokyo)...
Hội thảo sẽ cung cấp thông tin cập nhật các diễn biến và đánh giá chiến lược trên thực địa ở Biển Đông và Tiểu vùng Mekong; đồng thời thảo luận các khuyến nghị về giải pháp tiếp cận triển vọng nhằm thúc đẩy sự đồng thuận ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực.
Về mặt an ninh truyền thống, vấn đề xung đột lợi ích trong khai thác và quản trị nguồn nước xuyên quốc gia trên sông Mekong cho thấy khu vực này đang dần trở thành điểm nóng địa chính trị tiếp theo trong khu vực. Khả năng này được củng cố bởi các sáng kiến hợp tác tham vọng của Trung Quốc (LMC, BRI) và Hoa Kỳ (MUSP), cùng với sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế. Các cơ chế hợp tác ở sông Mekong một mặt mang đến cơ hội phát triển cho các quốc gia Đông Nam Á lục địa ven sông Mekong, nhưng mặt khác cũng cho thấy một tương lai cạnh tranh địa chiến lược đầy thách thức.
Trên Biển Đông, sự khác biệt trong quan điểm đối ngoại của các nước thành viên khiến ASEAN gặp nhiều khó khăn trong thể hiện vai trò “tiếng nói khu vực” trong đàm phán với Trung Quốc. Nỗ lực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) gần hai thập kỷ càng cho thấy ít triển vọng trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu từ đại dịch Covid-19. Trong khi phần lớn sự chú ý đang đổ dồn về nỗ lực chống dịch và khôi phục kinh tế ở các nước ASEAN, Trung Quốc liên tục gia tăng các nỗ lực cưỡng chiếm trong chiến lược “vùng xám” nguy hiểm trên thực địa.
Biển Đông và Tiểu vùng Mekong được xem là hai khu vực địa chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á về mặt an ninh, kinh tế và thương mại. Đây đồng thời cũng là hai khu vực cạnh tranh địa chính trị phức tạp giữa các siêu cường. Tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 hiện nay càng tạo thêm áp lực với các nước ASEAN ở Biển Đông lẫn Tiểu vùng Mekong trong lực chọn chiến lược đối ngoại cân bằng trong quan hệ với các nước lớn hậu Covid-19.