>> NTC tuyên bố: Gaddafi đã chết vì thương tích nặng
>> Thi thể ông M. Gadhafi sẽ được chuyển giao cho gia đình
Ngày 23/10, NTC đã tuyên bố Libya hoàn toàn giải phóng. Thời kỳ mới ở Libya rồi đây sẽ như thế nào là câu hỏi hiện chưa có câu trả lời. Nó phụ thuộc vào chủ định của bên thắng thế trong cuộc chiến cho thời gian trước mắt là trả thù hay hoà giải và hoà hợp dân tộc, vào sự phân chia quyền lực giữa các nhóm phái trong nội bộ phe chiến thắng và vào việc họ có đáp ứng lợi ích của phương Tây đến mức nào.
Ở thời điểm hiện tại, có thể rút ra những bài học mang cả giá trị lịch sử lẫn thực tiễn, rất thời sự đối với thế giới.
Bài học trước hết là về mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Một khi không còn được người dân ủng hộ thì chính thể của ông Gaddafi tưởng rất vững chắc bởi được dựng xây và duy trì suốt 42 năm đã bị sụp đổ chỉ trong thời gian có 8 tháng. Cho nên, Libya tới đây chỉ có thể yên bình nếu chính thể mới thành công trong việc quy tụ được lòng dân thành một khối và giải giáp tất cả các lực lượng vũ trang riêng của các bộ tộc, nhóm phái để xây dựng quân đội và bộ máy an ninh chung. Nếu không, đất nước này sẽ sa vào nội chiến, cát cứ lãnh thổ với những hậu quả còn tai hại và dai dẳng hơn nhiều so với cuộc chiến tranh vừa qua.
Bài học thứ hai là về một kiểu tiến hành chiến tranh mới. Không có sự tham chiến trực tiếp của Nato và sự hậu thuẫn về chính trị cũng như tài chính của phương Tây thì phe nổi dậy ở Libya không thể đánh bại được lực lượng của ông Gaddafi. Nato đạt được mục đích mà không phải đưa quân đội đến tham chiến trên đất liền, tránh bị thiệt hại về người và sa lầy như ở Afghanistan hay Iraq, dùng chính người Libya để thực hiện mục tiêu chiến lược ở Libya. Dù phe nào và cá nhân nào tới đây nắm quyền ở Libya cũng không thể thoát khỏi phạm vi cương toả và chi phối của phương Tây.
Bài học thứ ba là về hiệu lực hạn chế của luật pháp quốc tế. Nato đã lợi dụng rồi lạm dụng nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc để lật đổ một chính thể. Bài học này nhắc nhở rằng, không khi nào được để bên ngoài vin cớ can thiệp và không quá tin vào hiệu lực của luật pháp quốc tế đủ khả năng để ngăn cản những thế lực chủ định lạm dụng luật pháp quốc tế và hành động bất chấp luật pháp quốc tế.