Sáng nay (11/6), đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội tiến hành giám sát tại quận Ba Đình về việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia (QG) và việc cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn. Trong đó, đoàn đã khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Thủ Lệ và làm việc tại UBND quận.
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT quận Lê Đức Thuận, tại quận có 15 trường được công nhận đạt chuẩn QG trước năm 2013; hiện toàn quận có 50 trường công lập trực thuộc, trong đó 27 trường đạt chuẩn QG (7 trường mầm non-MN, 10 trường tiểu học-TH, 10 trường trung học cơ sở-THCS), đạt tỷ lệ 54%, đứng thứ 29/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Trong đó, chưa có trường MN, TH nào được công nhận đạt chuẩn QG mức độ II. Đến nay, tại cấp MN vẫn còn 14/21 trường công lập chưa đạt chuẩn QG, chủ yếu do không đảm bảo theo tiêu chuẩn 4 trong Thông tư 02 ngày 8/2/2014 của Bộ GD&ĐT (ban hành quy chế công nhận trường MN đạt chuẩn QG mức độ I): Diện tích đất quá nhỏ dẫn dến diện tích sàn/học sinh (HS) không đạt tiêu chuẩn, cơ sở vật chất xuống cấp, sĩ số HS/lớp cao so với quy định. Tại cấp TH, còn 7/17 trường công lập chưa đạt chuẩn, chủ yếu do chưa đạt tiêu chí 3 về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, trong đó số lớp đông, cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích không đảm bảo, sĩ số HS/lớp cao, chưa đủ phòng chức năng để tổ chức dạy và học. Với cấp THCS, theo Thông tư 47 ngày 7/12/2017 của Bộ GD&ĐT, còn 2/12 trường THCS chưa đạt chuẩn QG là THCS Giảng Võ (chưa đạt tiêu chí về tổ chức và quản lý nhà trường, do số lớp quá đông (73 lớp) và sĩ số HS/lớp cao), THCS Phúc Xá (chưa đạt tiêu chí về tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học).
Về thực hiện cải tạo, xây mới trường MN, trường phổ thông công lập, từ năm 2012 đến nay quận đã xây mới 1 trường THCS và 1 trường MN, cải tạo sửa chữa 36 trường và 460 phòng học, 136 phòng học bộ môn và phòng chức năng. Kết quả công nhận lại trường đạt chuẩn QG năm 2019 là 3 trường; đồng thời thực hiện kế hoạch công nhận mới trường đạt chuẩn QG năm 2020 gồm 13 trường, công nhận lại trường đạt chuẩn QG năm 2020 gồm 9 trường. Quận phấn đấu cuối năm nay đạt 80% trường công lập đạt chuẩn QG và đã có kế hoạch cải tạo xây mới 25 trường với tổng kinh phí 1,131,185 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2025.
“Trên địa bàn có HS đông, quá tải ở cả 3 cấp học, trong đó hầu hết trường MN (kể cả cũ và mới xây dựng) không có khả năng mở rộng diện tích đất, nên tiêu chí diện tích đất/HS chưa đảm bảo theo chuẩn QG. Theo quy hoạch TP đặt ra, tỷ lệ trường đạt chuẩn QG cấp học MN đến năm 2020 là 65-70%, đến 2030 là 75-80%, nên tại Ba Đình khối MN gặp khó khăn nhất trong việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đạt chuẩn QG (hiện mới đạt 33%)”- ông Lê Đức Thuận chia sẻ.
Từ đó, UBND quận đề xuất cơ quan có thẩm quyền khi quy hoạch các khu đô thị cần dành quỹ đất xây trường công lập, UBND TP cho phép những trường không còn quỹ đất nâng tầng so với quy định, Bộ GD&ĐT quy định số HS/lớp ở khu vực nội thành cho phù hợp thực tế. Đồng thời, quận kiến nghị TP xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù cho phép nâng tầng cao xây dựng trường với những địa bàn dân cư không còn hoặc thiếu quỹ đất xây trường. TP cũng cần ưu tiên quỹ đất để xây trường công lập, hạn chế giao đất cho tổ chức, DN xây trường ngoài công lập, do mức đóng góp của HS cao không phục vụ được cho số đông HS trên địa bàn.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình-Trưởng đoàn giám sát đánh giá: Thời gian qua, quận Ba Đình rất quan tâm công tác GD&ĐT, trong nhiệm kỳ có riêng nghị quyết về đổi mới phát triển toàn diện giáo dục, chất lượng chuyên môn và chất lượng quản lý nhà nước về GD&ĐT đạt cao. Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc quận đang gặp phải trong công tác xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn QG, Trưởng đoàn cũng đề nghị quận chủ động tổ chức thực hiện theo những quy định mới của T.Ư và TP trong công tác này để khắc phục những hạn chế chủ quan của địa phương. Trong đó, cố gắng hoàn thành mục tiêu trong năm nay được công nhận thêm 12 trường đạt chuẩn QG và đến năm 2025 cả 100% trường trên địa bàn đạt chuẩn QG. Đồng thời, cần phấn đấu xây dựng trường chuẩn QG ở khu vực ngoài công lập; rà soát tập trung để không để bị chậm trong việc công nhận lại trường chuẩn QG; có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng số lớp đông và sĩ số HS/lớp cao tại nhiều trường, quan tâm quản lý tình trạng học trái tuyến...
“Để tiếp tục đầu tư xây mới các trường học trên địa bàn, quận cần chú trọng rà soát các địa điểm cần di dời theo quy hoạch và những dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai; tiếp tục kiên trì đề xuất với TP thu hồi các dự án, địa điểm cụ thể trên địa bàn, để lấy đất xây trường học”- Trưởng đoàn nhấn mạnh, và đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn với quận, tổng hợp những kiến nghị của quận để đề xuất các cơ quan T.Ư, TP tiếp tục tháo gỡ cho địa phương.