Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bà đỡ” cho những công trình xanh

Việt Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công trình xanh (CTX) không chỉ mang lại giá trị kinh tế, xã hội mà còn tạo nên môi trường sống tốt cho cộng đồng. Thế nhưng, cho đến nay, tại Việt Nam, số lượng CTX đạt chuẩn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vẫn chỉ là… xu hướng
CTX đã phát triển mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng tại Việt Nam vẫn chỉ là một xu hướng mới mẻ. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có chưa đến 100 CTX được phát triển ở các giai đoạn khác nhau. Theo các chuyên gia, con số này quá thấp so với hơn 2.100 CTX tại Singapore và hơn 750 CTX tại Úc. Điều đáng nói, phần lớn CTX đều thuộc lĩnh vực công nghiệp. Còn trong lĩnh vực bất động sản - nhà ở, số lượng CTX vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói cách khác, thị trường bất động sản vẫn khát căn hộ xanh như khát nước.
 Công trình Trường ĐH FPT (Hà Nội) do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Melissa Merry Weather - Giám đốc Công ty Green Consult châu Á (đơn vị tư vấn công trình đạt tiêu chuẩn LEED) cho rằng, đối với một quốc gia đông dân như Việt Nam, việc phát triển CTX theo chuẩn LEED của Hoa Kỳ sẽ giúp cải thiện môi trường xanh cho cộng đồng và nâng cao chất lượng sống của người dân. “Áp dụng tiêu chuẩn xanh chắc chắn chi phí sẽ tăng thêm, nhưng nhờ tiết kiệm năng lượng, nước và sự hữu ích từ môi trường… nên chi phí phát sinh khi vận hành sẽ không nhiều" - bà Melissa Merry Weather nói.

Theo bà Melissa Merry Weather, hiện nay trên thế giới, ngoài Mỹ (với hơn 60.000 CTX) đã có 134 quốc gia khác áp dụng tiêu chuẩn xanh LEED trong xây dựng. Tại châu Á, tiêu chuẩn LEED đã được áp dụng cho hơn 2.000 công trình. Còn ở Việt Nam, mới chỉ có Diamond Lotus của chủ đầu tư Phúc Khang Corporation là dự án đầu tiên.

Cần “bà đỡ” chính sách

CTX tác động rất lớn trong thời gian dài đối với cộng đồng. Những cư dân sống trong CTX sẽ là người được hưởng lợi từ việc tiết kiệm các chi phí, thể hiện rõ ở hóa đơn tiền điện, tiền nước, giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng và nâng cao năng suất lao động, sức khỏe của người sử dụng công trình. Con số tiết kiệm chi phí trong quá trình sử dụng các tiện ích, dịch vụ, điện năng ở CTX có thể lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài ra còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm thải khí CO2 ra môi trường.

Tuy nhiên, phát triển CTX cũng đang gặp thách thức không nhỏ, phải có các chủ đầu tư tận lực, tận tâm, cùng chung chí hướng; phải có các thiết kế xây dựng đồng bộ với những cam kết tuân thủ ngay từ đầu các quy chuẩn.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết, làm CTX sẽ làm tăng tổng vốn đầu tư lên nhiều như chi phí tư vấn xanh và chi phí đăng ký cấp chứng nhận xanh, kéo dài thời gian thi công do thủ tục phức tạp, buộc chủ đầu tư phải lựa chọn tăng giá thành hoặc giảm bớt lợi nhuận. Đơn cử như dự án Diamond Lutus, để phát triển CTX theo tiêu chuẩn xanh LEED của Mỹ, DN đã phải tốn thêm 10 - 12% chi phí đầu tư ban đầu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, do lợi ích bền vững của các CTX cũng như nhận thức của các chủ đầu tư và khách hàng, thị phần sản phẩm này dự báo tăng trưởng ở mức 13% giai đoạn 2015 - 2020. Cùng với sự tăng trưởng về số lượng các tòa nhà và quy mô diện tích sàn, thì tiêu thụ năng lượng trong khu vực này cũng gia tăng đáng kể hàng năm.
Bởi vậy, việc áp dụng các CTX theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu, nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm năng lượng cho quốc gia. Ông Thịnh cũng cho rằng, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách tổng thể nhằm khuyến khích các chủ đầu tư bất động sản phát triển CTX.