|
Vụ cháy tòa nhà Carina Plaza (số 1648 đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh) |
Anh Đỗ Quốc Cường, một cư dân tại chung cư Capital Garden ngõ 102 Trường Chinh chia sẻ, nghe tin về vụ cháy ở TP Hồ Chí Minh, ai nấy đều thấp thỏm không yên. Bởi, cả gia đình tôi và nhiều hộ gia đình đã chuyển về sinh sống gần 1 năm nay nhưng hệ thống PCCC chưa được đầu tư hợp lý. Chủ đầu tư là Tập đoàn Kinh đô TCI Group cũng “lờ” đi trách nhiệm của mình và không có phương án nào đối với các khách hàng.
Theo anh Cường, trước đó vào cuối tháng 5/2017, tại tầng 15 của tòa nhà, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra, thiêu rụi nhiều đồ đạc trong căn phòng số 1115 (tầng 15 thang máy). Điều đáng nói, ở đây là khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại chung cư không hề hoạt động. Hệ thống đầu dò khói tự động không hề kích hoạt chuông báo cháy mặc dù khói bay nghi ngút trong nhà và phía bên ngoài hành lang tầng dẫn đến việc không một cư dân nào nhận thức được về vụ cháy nghiêm trọng đang diễn ra tại chung cư. Chỉ đến khi vụ cháy quá lớn, khói bay ra hành lang và các nhà lân cận thì hàng xóm mới biết và chạy đi thông báo cho các tầng để cùng nhau chạy.
Đồng tâm trạng, anh Nguyễn Văn Hùng cư dân chung cư cao cấp Golden West bức xúc: “Mang tiếng mua chung cư cao cấp mà đi đòi quyền lợi như thời bao cấp. Chủ đầu tư lùa dân về ở khi hồ sơ PCCC chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, hoặc công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân. Chiều 23/3, từ thông tin vụ cháy kinh hoàng ở TP Hồ Chí Minh, cư dân đã tập hợp trước sảnh tòa nhà để căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư Vietradico đối thoại với cư dân”.
|
Đau đớn khi người thân tử nạn trong vụ cháy tại chung cư Carina. Ảnh: Văn Đức. |
Vẫn còn hoảng sợ sau vụ cháy tòa nhà Carina Plaza (số 1648 đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8), chị Nguyễn Thu Thủy sống trong tòa nhà HH4B Linh Đàm không khỏi lo lắng trước ý thức của người dân trong tòa nhà. “Người dân khi xảy ra sự cố ai cũng kêu sợ hãi. Ban đầu cũng có ý thức bảo vệ PCCC. Nhưng về lâu dài, lại đâu vào đấy. Tôi thấy nhiều người không biết sợ, một số tầng còn chặn để mở toang cửa thang thoát hiểm, để đồ dễ gây cháy ở hành lang, thang thoát hiểm. Thợ hàn thì bạ chỗ nào cũng có thể mang đồ ra “tác nghiệp” trong tòa nhà. Nhiều người vứt tàn thuốc lá bừa bãi ra phòng mặc dù hố đổ rác ngay ở phía trên mà cũng lười đưa vào”, chị Thủy cho hay.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, nếu không có giải pháp trấn an người dân về độ an toàn các công trình chung cư sau vụ cháy kinh hoàng trên, không loại trừ khả năng thị trường bất động sản sẽ đóng băng do hiệu ứng sợ hãi đám đông. Viễn cảnh này nếu xảy ra sẽ ngay lập tức đe dọa nền kinh tế đất nước vì hầu hết tất cả tiền của bất động sản đều nằm ở ngân hàng. Do đó, đối với vụ cháy ở chung cư Carina Plaza cần quy trách nhiệm rõ, khởi tố vụ án để làm gương cho các chủ đầu tư khác.
Trong khi đó, về tai họa 13 người thiệt mạng ở chung cư Carina Plaza, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đực phân tích, dân đô thị lớn phải sống trong chung cư là xu thế tất yếu. Cho nên tiện ích và giá trị trước tiên của chung cư phải là an toàn "Cháy - Ngạt". Chủ đầu tư và thiết kế phải cấu tạo sảnh tầng thông thoáng không tích tụ khói gây ngạt, hành lang rộng trên 1,8m sảnh thang máy trên 3,0m, thang bộ thoát hiểm rộng trên 1,3m và bậc thang đúng chuẩn cao 15cm rộng 30cm không chấp nhận cao 17 - 18cm).
“Hệ thống báo cháy chữa cháy tự động... phải hoạt động tốt. Luật PCCC rất "đầy" nhưng chưa "đủ" để thoát nạn sinh tồn. Ban Quản trị và Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra công cụ và đội ngũ PCCC. Người dân biết đọc bản vẽ mặt bằng tầng và chọn chung cư "không cháy không ngạt" và có "kỹ năng sinh tồn" tại chung cư mình sống”, ông Đực nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa giao nhiệm vụ cho Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phối hợp với Cục công tác phía Nam, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Công nghệ xây dựng thực hiện ngay một số việc sau: Tiếp cận hiện trường chung cư Carina, kiểm tra hiện trạng sự cố và phối hợp xác định nguyên nhân gây cháy, đề xuất hướng dẫn các giải pháp di dời người dân, tài sản khỏi công trình đảm bảo an toàn cho người và công trình cũng như các công trình lân cận. Đồng thời rà soát hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho các công trình xây dựng tương tự nhằm đảm bảo đầy đủ, phù hợp và hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình áp dụng nhằm đảm bảo an toàn công trình. |