Tại kỳ họp thứ tư HĐND TP.HCM khóa IX (kỳ họp bất thường) về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP sáng 11/6, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chất lượng môi trường trên địa bàn rất đáng lo ngại.
"Ô nhiễm ở các mức độ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực chưa được cải thiện như nước mặt, nước ngầm, nước thải, không khí, tiếng ồn… đặc biệt là bùn thải chưa được xử lý; tất cả đều vượt chuẩn cho phép. Tình hình ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân", bà Tâm nói.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng, TP.HCM đang chịu áp lực lớn bởi ba tác động môi trường gồm: Gần 1,8 triệu m3 nước thải và 8.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường mỗi ngày; khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông và hơn 830 nguồn khí thải công nghiệp và rất nhiều nguồn thải khác.
Về xử lý, trong 8.300 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, hiện bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) chôn lấp khoảng 5.500 tấn mỗi ngày, số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi.
Theo ông Thắng, việc thu gom, xử lý chất thải rắn còn một số bất cập như: Thiết bị thu gom rác thải dân lập quá cũ, thô sơ, kết nối giữa thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ.
"Đáng chú ý là công nghệ xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi hôi, nước rỉ rác…", ông Thắng nói và cho biết TP đang xem xét theo hướng ưu tiên đầu tư các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại hơn.
Cũng theo ông Thắng, việc phân loại rác tại nguồn đã bắt đầu thí điểm từ năm 1998 nhưng thực hiện không đồng bộ nên xảy ra tình trạng người dân phân loại xong, các đơn vị thu gom lại gộp chung rồi đem chôn lấp.
"Những năm gần đây, TP đã triển khai thí điểm giai đoạn 2 và bước đầu đã xử lý, tái chế được một lượng đáng kể. Mới đây UBND TP đã phê duyệt đề án phân loại rác tại nguồn và đang triển khai để thực hiện đại trà trên toàn địa bàn", ông Thắng nói.