Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba phương án triển khai khi qua các nút có cầu vượt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 6/10, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cùng các sở, ngành đã nghe Sở GTVT, Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) báo cáo về Dự án đường Vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở).

Đại diện TEDI cho biết, chỉ giới qui hoạch đường có chiều rộng cơ bản 53,5m trên suốt chiều dài tuyến gần 6km. Riêng đoạn từ nút giao với phố Trần Đại Nghĩa tới nút Vọng dài khoảng 480m, chiều rộng 60m. Để hoàn chỉnh đường Vành đai 2, Thành phố đã chia tuyến thành 3 dự án, trong đó dự án 1 mở rộng đoạn từ Vĩnh Tuy đến nút Vọng và dự án 2 làm đường Vành đai 2 trên cao từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở do Sở GTVT đảm nhận. Riêng dự án 3, mở rộng đoạn Vọng - Ngã Tư Sở do Ban QLDA trọng điểm phát triển đô thị làm chủ đầu tư.

Tại cuộc họp này, vấn đề được đặt ra là làm đường trên cao sẽ triển khai như thế nào, đặc biệt là khi phải vượt qua các nút có cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Đại diện TEDI cho biết, mặt bằng xây dựng đường trên cao nằm hoàn toàn trong mặt bằng của chỉ giới qui hoạch đường Vành đai 2. Đường trên cao có chiều dài 5,94km, mặt đường trên cao rộng 19m với 4 làn xe chạy, trụ cầu nằm giữa tim đường. Trên tuyến sẽ thiết kế một số cầu nhánh cho các phương tiện lên xuống với chiều rộng 7m. Để bảo đảm tĩnh không, độ cao mặt cầu so với đường phía dưới là 8m. Tuy nhiên, để đáp ứng độ thông thoáng trong đường đô thị hiện đại, TEDI kiến nghị nên đưa độ cao mặt cầu lên 12m. Tại các vị trí cầu vượt qua các nút Vọng và Ngã Tư Sở, TEDI đưa ra 3 phương án. Phương án 1 đi vượt qua cầu vượt hiện có và vượt qua cả tuyến đường sắt trên cao theo qui hoạch là tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi (nút Vọng) và Cát Linh - Hà Đông (nút Ngã Tư Sở) với chiều cao cầu vượt lên khoảng 32m. Phương án 2 đi ngầm qua nút, nhưng sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian thi công. Phương án 3 khi đến gần nút đường sẽ hạ độ cao nhập với đường phía dưới khi qua nút lại tiếp tục đi trên cao.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện Sở nghiêng về chọn phương án 3. Bởi qua tính toán lưu lượng phương tiện lưu thông tại 2 nút đến năm 2020 không cao, nên hoàn toàn có thể cho đường trên cao đi nhập giao bằng với nút, sau khi qua nút lại đi trên cao. Phương án này ít tốn kém, thi công nhanh, nếu sau năm 2020, khi lưu lượng phương tiện tăng cao, có thể làm tiếp đi trên cao vượt nút. Ông Hùng cho biết thêm, để triển khai mở rộng đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Vọng theo tính toán sơ bộ có khoảng gần 3.000 hộ dân của 2 quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân nằm trong diện GPMB. Cùng chung quan điểm với ông Hùng, đại diện quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng cũng cho rằng nên chọn phương án 3 đỡ tốn kém, đặc biệt là trong khâu GPMB.

Theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KH&ĐT, đã làm đường Vành đai 2 phải tính toán lâu dài, không chỉ tính đến năm 2020. Nếu đường trên cao giải quyết biện pháp kỹ thuật được, nên làm để đỡ GPMB. Khi triển khai cần làm đồng bộ cả tuyến, tránh tình trạng đường dưới thấp vừa làm xong lại đào lên, rất lãng phí.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở QHKT cần làm rõ qui hoạch tuyến đoạn nào mở rộng 53,5m, đoạn nào rộng 60m. Tư vấn TEDI phải làm rõ các phương án đường trên cao khi đi qua các nút giao. Đặc biệt, tư vấn nên độc lập phân tích, so sánh các phương án hiện tại, tương lai và bảo đảm cảnh quan đô thị đồng thời tính toán sao cho ít GPMB, chi phí cho dự án ít tốn kém. Các ngành cũng phải tính tới các phương án nhà tái định cư cho các hộ dân trong diện GPMB trong trường hợp dự án được triển khai sớm. Trong đó có thể áp dụng phương thức nhà tạm cư bằng nhà hoặc bằng tiền hỗ trợ cho người dân đi thuê nhà. Sở GTVT sớm hoàn thành đề án đường Vành đai 2 nộp về cho Sở KH&ĐT hoàn chỉnh báo cáo UBND TP để trình Thành ủy phê duyệt.