Bà Rịa - Vũng Tàu: Đề xuất xây dựng cảng tàu khách quốc tế

Bảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện, mỗi năm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đón 86 - 92 chuyến tàu khách quốc tế. Nhưng do không có cảng chuyên dụng nên những tàu này phải cập nhờ ở cảng container, cảng tổng hợp gây bất tiện cho du khách.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có buổi làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải xin ý kiến về một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, trong đó có việc xây dựng cảng tàu khách quốc tế.
Cần thiết xây dựng cảng tàu khách quốc tế
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay hệ thống các cảng trên địa bàn tỉnh như: Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam (SITV), cảng quốc tế SP-PSA, cảng Tân Cảng - Cái Mép… thường xuyên đón các tàu du lịch quốc tế cập cảng. Bình quân mỗi năm các cảng này đón 86 - 92 chuyến tàu khách quốc tế.
 

Tàu khách quốc tế cập cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuy nhiên, các cảng biển này chủ yếu là cảng hàng hóa, không phải cảng chuyên dùng để đón tàu du lịch. Điều này ít nhiều gây ra những bất cập, bất tiện cho du khách, cũng như công tác đảm bảo an toàn cho du khách và vệ sinh môi trường. Do đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận thấy việc đầu tư xây dựng cảng tàu khách quốc tế là hết sức cần thiết trong tình hình tỉnh đang mong muốn có thêm sản phẩm du lịch đẳng cấp, đón một lượng lớn du khách nước ngoài…
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2018, cả nước đón hơn 215 nghìn lượt khách đường biển. Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón hơn 200 nghìn khách và thuyền viên từ 135 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này chứng minh 99% lượng tàu khách quốc tế vào Việt Nam đều cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự kiến, mùa tàu biển 2019 - 2020 (từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020), cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đón 70 chuyến tàu du lịch, sức chứa tối thiểu 1.000 khách và tối đa trên 6.000 khách mỗi chuyến cập bến.
Chỉ làm một cảng tàu khách duy nhất
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, tỉnh đã nghiên cứu vị trí xây dựng cảng tàu khách quốc tế, có chiều dài khoảng 330m, rộng trên 40m, mớn nước trên 10m, có sức chứa trên 4.200 hành khách, gồm: khu vực Bãi Trước và khu vực cảng Sao Mai - Bến Đình.
Đánh giá từng vị trí, đơn vị tư vấn và các sở, ngành đều nghiêng về phương án tại khu vực Sao Mai - Bến Đình. Lý do là khu vực được che chắn bởi vịnh Gành Rái, mũi Sao Mai nên hầu như ít chịu tác động của sóng, thuận lợi cho việc bố trí công trình bến cảng.
Ngoài ra, khu vực Sao Mai - Bến Đình cũng đã được Bộ Giao thông - Vận tải quy hoạch hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam (nhóm 5). Sắp tới, tỉnh cũng sẽ tiến hành dự án nạo vét, chỉnh trang kênh Bến Đình, chọn lựa nhà đầu tư để xây dựng dự án khu đô thị Cù Lao Bến Đình. Kết nối giao thông với cảng thuận lợi do sử dụng chung với đường sau cảng PTSC, dễ dàng cho du khách đi tham quan các điểm tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, điều bất lợi là nếu muốn xây dựng cảng tại đây thì phải nạo vét bởi độ sâu nước khu vực này khá nông, hiện chỉ khoảng 1-2 m (phải nạo vét sâu thêm khoảng 10 m). Ngoài ra, dự báo số lượng sa bồi hàng năm tại khu vực này vào khoảng 140.000 - 210.000 m3/năm. Chưa kể, vị trí đổ bùn thải hiện nay đang là vấn đề rất khó khăn với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và các doanh nghiệp có dự án cần đổ bùn thải nói riêng… Dự án cũng sẽ gần như hoàn toàn lấn biển trên khu vực bãi bồi hiện quy hoạch khu đô thị Bến Đình.
 

Khu vực cảng Cầu Đá, tàu cánh ngầm Vũng Tàu.

Còn ở vị trí Bãi Trước (khu vực cảng Cầu Đá, tàu cánh ngầm Vũng Tàu), ảnh hưởng về dòng chảy không đáng kể, do dòng chảy ven bờ nhỏ. Độ sâu nước ở khu vực này rất tốt (sâu hơn 14 m), không cần nạo vét, tiếp cận trực tiếp với luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, khó khăn là cần bố trí đê chắn sóng bảo vệ cảng, do không nạo vét nên phải lấy vật liệu san lấp từ nơi khác. Đồng thời, dự án sẽ chồng lấn với dự án phà Cần Giờ - Vũng Tàu, chồng lấn khu neo đậu tàu đã được Bộ Giao thông - Vận tải công bố, chồng lấn vùng hoạt động giao thông ven bờ của các phương tiện thủy. 
“Trường hợp khu vực Bãi Trước được lựa chọn, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải  xem xét, hỗ trợ tỉnh bổ sung vào quy hoạch và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành”, ông Chí cho hay.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với địa phương, giao tư vấn nghiên cứu kỹ vị trí nào phù hợp, luồng lạch và quy hoạch trên bờ.
“Trường hợp Bãi Trước có đủ điều kiện làm cảng khách, phải khẳng định bằng văn bản và chỉ làm một cảng khách duy nhất, không thể một tỉnh có hai cảng khách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần