Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tháo gỡ khó khăn cho tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67

Bảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) đã giúp ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cơ hội được đóng mới tàu dịch vụ hậu cần thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện đang phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời để chính sách phát huy hết hiệu quả.

Tàu nằm bờ, ngừng hoạt động
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt chủ tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 đã viết đơn gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “kêu cứu” vì vướng các quy định, nên hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, tàu phải nằm bờ, ngừng hoạt động.
Tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu phải nằm bờ
Ông Thuận Huệ ở TP Vũng Tàu cho biết, tiếp cận dự án nâng cấp tàu dịch vụ nghề cá theo Nghị định 67, gia đình ông đã đầu tư đóng mới chiếc tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng; trong đó, vốn vay ngân hàng cũng chiếm hơn nửa. Tàu của ông Thuận Huệ có nhiệm vụ đưa nước đá, xăng dầu, thực phẩm ra khơi cung cấp cho nhiều tàu cá và mua hải sản của các tàu này đưa vào bờ tiêu thụ.
Qua đó, đã giúp cho các tàu cá tiếp tục có thời gian đánh bắt hải sản dài ngày, giảm được chi phí ra vào bờ. Thế nhưng, cả năm nay ông Thuận Huệ phải cho tàu nằm bờ vì… vướng quy định tàu dịch vụ hậu cần “không được bán xăng dầu trên biển”. Do neo đậu dài ngày, chiếc tàu của ông Thuận Huệ cũng đã xuống cấp. 
“Tàu không hoạt động, trong khi vốn vay ngân hàng, lãi suất phải trả, rồi tiền lương trả cho hàng chục nhân công…”, ông Thuận Huệ cho hay.
Không riêng gì trường hợp ông Thuận Huệ, gia đình anh Châu Văn Nhỏ ở huyện Long Điền cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2017, tàu dịch vụ hậu cần, có công suất 1.446 CV, trị giá 35 tỷ đồng của gia đình anh đi vào hoạt động. Trong 2 năm 2017, 2018, tàu anh có được 5 chuyến vận chuyển, kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, đến năm 2019 thì cơ quan chức năng không cho phép, chỉ được phép vận chuyển đá cây, hải sản. Do không được phép vận chuyển, kinh doanh xăng dầu nên tàu anh liên tục hoạt động thua lỗ.
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh đã phê duyệt đóng mới, đưa vào hoạt động 9 tàu dịch hậu cần thủy sản vỏ thép.
Hầu hết các tàu được lắp trang thiết bị hiện đại, chiều dài thân tàu và máy chính của các tàu có công suất rất lớn, phương tiện nhỏ nhất dài 30m, công suất máy là 1.200 CV, phương tiện lớn nhất có chiều dài lên đến 60m, công suất máy chính 1.600 CV.
Tổng kinh phí đóng mới của 9 tàu này là 324 tỷ đồng; trong đó, ngư dân vay các ngân hàng thương mại để đầu tư đóng mới là 298 tỷ đồng. Việc đầu tư tàu dịch vụ có công suất lớn, trang bị hiện đại để thực hiện chức năng dịch vụ hậu cần thủy sản, bao gồm: Chở nhiên liệu, xăng dầu, nước đá bảo quản thủy sản, vật tư sửa chữa nhỏ, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm thiết yếu… phục vụ cho tàu cá đang hoạt động xa bờ của tỉnh.
Đây là chủ trương đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân bám biển, hoạt động khai thác dài ngày. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc tăng hiệu quả chuyến biển, thúc đẩy kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của Công ty TNHH Gia Hân (TP Vũng Tàu).
Tuy nhiên, hiện nay các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phải nằm bờ, ngừng hoạt động do vướng các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều luật thủy sản năm 2017 và Thông tư số 47/2015/TT-BCT ngày 11/12/2015 của Bộ Công Thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển.
Cụ thể, theo Thông tư 47/2015/TT-BCT thì điều kiện để các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu yêu cầu phải đặt, neo đậu cửa hàng xăng dầu trên mặt nước phải đúng quy định.
Trong khi thực tế tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh chỉ cập bến trong một thời gian nhất định để xếp sản phẩm hải sản thu mua và lấy nguyên nhiên vật liệu, sau đó xuất bến, di chuyển thường xuyên liên tục trên biển.
Ngoài ra, theo Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tàu dịch vụ hậu cần thủy sản không có chức năng cung cấp, vận chuyển xăng dầu trên biển.
Trước thực trạng trên, ngày 19/6/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Văn bản 6252/UBND-VP và Văn bản 6253/UBND-VP kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh xăng dầu đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67.
Thế nhưng, phía Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cho rằng, việc cấp giấy phép hoạt động kinh xăng dầu cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật; việc cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại quy định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ và Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ; trong đó, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước cần phải phù hợp của quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Trước đây, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vận chuyển dầu, nước đá, nhu yếu phẩm cho đội tàu đánh bắt và đồng thời đưa hải sản vào bờ giúp tiết kiệm chi phí khai thác. Thế nhưng từ ngày 1/1/2019, khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, có quy định tàu dịch vụ hậu cần đóng theo nghị định 67 sẽ không được cấp phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu. Kết quả là những tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần không được ra khơi để tiếp tế cho đội tàu đánh bắt”.
Theo ông Trần Văn Cường, do các bộ chưa có sự thống nhất để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên, mới đây UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương chủ trì tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành và ngư dân, doanh nghiệp tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc này đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67.