Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tuyên truyền phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 2220/QĐ-UBND về kế hoạch hành động triển khai thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đối tượng Z.Z sử dụng xe ô tô đặt bộ thiết bị BTS giả để hoạt động nhắn tin rác nhằm mục đích lừa đảo.
Lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đối tượng Z.Z sử dụng xe ô tô đặt bộ thiết bị BTS giả để hoạt động nhắn tin rác nhằm mục đích lừa đảo.

Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu trong năm 2024 nâng thứ hạng về chỉ số an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại thông tin đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số (chỉ số DTI) đạt từ 25-30, mục tiêu đến năm 2025 xếp hạng từ 20-25.

Đồng thời, tỷ lệ người sử dụng internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng kế hoạch năm 2024 đạt 70%, mục tiêu năm 2025 đạt 80%.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp có liên quan triển khai kế hoạch này. Định kỳ hàng năm, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ, gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 1/12 để tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị và địa phương cùng phối hợp triển khai chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các đặc điểm nhận dạng, kỹ năng phòng chống trên báo, đài địa phương, các kênh thông tin, mạng xã hội… của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh.

Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Phòng An ninh kinh tế và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền phòng chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Chiến dịch tập trung phổ biến các kiến thức kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức cũng như kiến thức cho người dân thông qua 5 nhóm kỹ năng chính, bao gồm: kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian qua, các sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một trong những nguyên nhân chính gây ra mất an toàn thông tin được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.

Các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Người dân thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến.

Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.

Cục An toàn thông tin cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức, cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến.