Kinhtedothi - Chiều 4/12, tại Hội nghị doanh nghiệp du lịch Việt Nam năm 2013, ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, 11 tháng của năm 2013, số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,8 lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Với tốc độ tăng trưởng này, ước tính năm 2013 Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 195.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp hai lần, tổng thu từ du lịch tăng trên 2,2 lần.
Tuy nhiên, ông Mạnh Cường cũng cảnh báo với các doanh nghiệp về việc trong thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Ảnh minh họa.
Trước hết đó là thách thức do bối cảnh thế giới đem lại, như những tác động tiêu cực của những yếu tố bất ổn về chính trị, xung đột, khủng bố, dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng kinh tế tài chính ở những nước đối tác. Tình hình kinh tế tuy có dấu hiệu tích cực nhưng khủng hoảng kinh tế vẫn diễn ra, giá cả tăng cao gây hạn chế việc đi lại, nhất là đối với khách du lịch ở những thị trường nguồn xa của Việt Nam nhưng lại có khả năng chi tiêu nhiều như Bắc Mỹ, Châu Á.
Tiếp theo là vấn đề cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực đang diễn ra ngày càng quyết liệt hơn, nhất là việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia.
Việt Nam luôn phải cạnh tranh với những điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore được đầu tư nhiều kinh phí, có trình độ chuyên môn cao, luôn đổi mới về sản phẩm và thương hiệu du lịch. Đặc biệt, trong đó thách thức hàng đầu là trong bối cảnh các nước Asean sẽ gia nhập cộng đồng chung Asean vào năm 2015, ngoài những cơ hội Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức như chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, năng lực kinh doanh. “Nếu không chuẩn bị tốt, khai thác tốt thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị trường khách du lịch trong khu vực mà thị trường khách nội địa cũng khó giữ vững”-ông Mạnh Cường cảnh báo.
Cùng với đó, những yếu kém và hạn chế của du lịch Việt Nam cũng là thách thức của ngành. Công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn có ở nhiều địa phương, nhất là mùa cao điểm. Tình trạng ô nhiễm, quá tải, hoặc thiếu quản lý do khai thác quá mức tài nguyên du lịch hoặc bị sử dụng sai mục đích, bị tàn phá dẫn đến tác động tiêu cực việc phát triển du lịch ở một số địa phương. Môi trường du lịch ở nhiều nơi bị ô nhiềm hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng.
Công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn rất yếu kém và chưa được coi trọng. Hiện tượng xây dựng thủy điện tràn lan tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở khu du lịch Sapa, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung đã hủy hoại tài nguyên và môi trường điểm đến tác động xấu đến phát triển du lịch.
Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, kinh phí nhà nước đầu tư còn hạn chế cho nên chưa tạo được hiệu ứng kích cầu đi du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, hiện nay, các doanh nghiệp du lịch mới tăng trưởng về số lượng mà chưa tương xứng về chất lượng dịch vụ, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số thị trường có hiện tượng người nước ngoài thao túng, trực tiếp điều hành, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá trốn thuế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm du lịch và hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam.