Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì - 50 năm một chặng đường phát triển

Diệu Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/7/1968, Chính phủ ban hành Quyết định số 120-QĐ/CP hợp nhất 3 huyện Tùng Thiện, Quảng Oai, Bất Bạt thành một huyện lấy tên là Ba Vì.

Đó là quyết định có tính chiến lược và là khởi đầu mới cho một huyện trẻ trên miền đất cổ. 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ba Vì đã đoàn kết, ra sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển, đi lên cùng Thủ đô và đất nước.

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, Ba Vì có diện tích tự nhiên 424 km2, dân số trên 29 vạn người, với 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống. Huyện Ba Vì có địa thế cao dần từ Đông - Bắc đến Tây - Nam. Lưng dựa vào núi, một bên là sông Đà hòa vào dòng sông Hồng cuộn chảy như con rồng uốn lượn xuôi về biển lớn. Một bên là dải núi Ba Vì trải dài như bức tường thành, tạo nên một thế đất đẹp hội tụ nguyên khí của vùng đất “địa linh sinh nhân kiệt”. Lịch sử ghi nhận, Ba Vì xưa thuộc vùng Châu Phong, Kinh đô của người Việt cổ. Đặc biệt, nơi đây còn in đậm truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, một bản hùng ca về cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên của ông cha ta thuở trước; những huyền tích về bà Man Thiện, người có công sinh thành, dưỡng dục Hai Bà Trưng, khơi dậy tinh thần yêu nước bất khuất của hai vị nữ anh hùng. Cùng với đó là huyền thoại về Nhã Lang Vương đánh thắng giặc Tùy, cuộc chiến của người anh hùng Phùng Lộc Hộ chống giặc Nguyên Mông và những cuộc khởi nghĩa chống giặc phương Bắc của Nhân dân vùng ven sông Hồng…

Trong kháng chiến chống Mỹ, Ba Vì có 19.457 thanh niên nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, cùng hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Trong số này có 4.662 Liệt sỹ, 3.450 thương binh, đóng góp hơn 45.000 tấn lương thực.


Tổng sản lượng cây có hạt hàng năm Ba Vì đạt trên 89.500 tấn, chăn nuôi toàn huyện có gần 1.000 trang trại, trên 2.000 gia trại. Đàn gia cầm đạt 3,9 triệu con; đàn bò BBB đạt 10.500 con; bò sữa 7.500 con, sản lượng sữa hàng năm đạt 16.200 tấn; diện tích nuôi cá 1.900 ha, sản lượng đạt 6.000 tấn; cây chè 1.750ha, sản lượng đạt 16.625 tấn.

Với bề dày hàng nghìn năm văn hiến, giai đoạn lịch sử nào Ba Vì cũng có những nhân vật xuất chúng ở nhiều lĩnh vực quân sự, ngoại giao, văn học, nghệ thuật làm rạng rỡ cho quê hương và trở thành những tấm gương tiêu biểu của người dân Ba Vì. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Ba Vì có "Vật Lại oai hùng, Đồng Tâm anh dũng", đồng bào Mường - Dao ở miền núi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn khu đầu não kháng chiến của tỉnh Sơn Tây.

Ngày 26/7/1968 là một dấu mốc quan trọng khi Chính phủ ban hành Quyết định số 120-QĐ/CP, có tính chiến lược hợp nhất 3 huyện Tùng Thiện, Quảng Oai, Bất Bạt thành huyện Ba Vì. Được thành lập giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì tiếp tục cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong huyện vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cho tiền tuyến với tinh thần, tất cả hướng về miền Nam ruột thịt. Trong thời kỳ này, quân dân Ba Vì luôn nêu cao khẩu hiệu "Giỏi tay cày, chắc tay súng", phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang" diễn ra sôi nổi khắp nơi. Hình ảnh "cô gái Suối Hai" luôn được nhắc tời như biểu tượng về lòng dũng cảm của người phụ nữ Ba Vì một thời máu lửa. Giai đoạn này Ba Vì còn là địa phương được Bác Hồ nhiều lần tới thăm. Sáng mùng Một Tết Kỷ Dậu, ngày 16/2/1969 về thăm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì, Bác đã trồng cây đa cuối cùng trước lúc người đi xa tại đồi Đồng Váng, xã Vật Lại.

Vững bước trên chặng đường đổi mới

Một mốc son đáng nhớ trong quá trình phát triển của Ba Vì là ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Ba Vì về với Thủ đô Hà Nội. Từ đây, nhiều chương trình KT – XH trọng tâm đã mở ra hướng phát triển mới của địa phương. Trong đó phải kể đến bước phát triển mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chăn nuôi và trồng trọt. Với trên 75% dân số sống bằng nghề nông, Ba Vì đã đẩy mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa các cây, con giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Từ những mô hình, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, huyện đã khai thác lợi thế của địa phương, xây dựng thành công nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu như: Chè, sữa Ba Vì, miến dong Minh Hồng, khoai lang Đồng Thái, gà đồi Ba Vì…

Phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có 13 xã về đích nông thôn mới, đạt tỷ lệ 43,3%. Quá trình đổi mới, tư tưởng người dân đã có nhiều thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại mà đã năng động hơn, quyết đoán và mạnh dạn hơn. Nhờ vậy, Ba Vì ngày càng có nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ vùng đất quê hương. Trong định hướng phát triển Ba Vì chú trọng đến du lịch, dịch vụ với hệ sinh thái đa dạng, hàng chục nghìn héc-ta rừng núi, ao hồ, thác suối… được thiên nhiên ban tặng với nhiều danh lam, thắng cảnh phong phú, đa dạng, nhiều khu du lịch nổi tiếng, được du khách biết đến như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Hồ Suối Hai, Khoang Xanh, Suối Tiên, Ao Vua, Thiên Sơn, Thác Ngà, Khu nước khoáng nóng Thuần Mỹ… Ba Vì còn là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hoá có giá trị như: Đình Tây Đằng, cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; đình Chu Quyến và đình Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại khởi dựng tuyệt đối năm 1531 - thời Nhà Mạc; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9 - nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Bác Hồ khi Người ở đây, cùng hàng trăm di tích lịch sử - văn hoá có giá trị khác. Đó là nền tảng để huyện phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch hội thảo. Đặc biệt, ngày 30/1/2018 Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL công nhận tục thờ “Tản Viên Sơn Thánh” tại cụm di tích Đền Hạ - Đền Trung - Đền Thượng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, Ba Vì đón đạt 2,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 260 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, Ba Vì sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 500 tỷ đồng.

Coi trọng phát triển kinh tế nhưng Ba Vì cũng hết sức chú ý giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Huyện đã triển khai hàng loạt các chương trình, đề án khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật chèo, tuồng, Tết Nhảy của đồng bào Dao, cồng chiêng của đồng bào Mường, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao; khôi phục các nét truyền thống trong Lễ hội Xuân như Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh.

Từ một huyện trẻ, nghèo và thuần nông, đến nay, Ba Vì đã và đang trở thành huyện có hệ thống chính trị vững mạnh, kinh tế xã hội phát triển, hạ tầng khang trang, đời sống Nhân dân ngày càng cao. Trong nhiều năm qua, huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,5%. Năm 2017 thu ngân sách đạt trên 270 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo giá trị sản xuất. Trong đó, nhóm ngành dịch vụ - du lịch chiếm 40,6%; Nông, lâm nghiệp chiếm 37,8%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 21,6% trong cơ cấu kinh tế.

Nhìn lại chặng đường 50 năm với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì thêm tự hào và tin tưởng vào tương lai tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, kiên cường cách mạng, năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Với những thành tích đạt được, ngày 20/8/1978 Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Ba Vì đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Huyện có 19/31 xã, thị trấn và lực lượng công an huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 483 bà mẹ được phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam Anh hùng"; 29.500 huân, huy chương các hạng được trao tặng. Đây là niềm tự hào, cổ vũ động viên Nhân dân tiếp tục phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị và Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ (2015 – 2020) xây dựng quê hương Ba Vì ngày một giàu đẹp, văn minh.